Ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long
14:00 - 31/12/2019
(MTNT) – Những năm gần đây, do hiện tượng El Nino kéo dài đã gây ảnh hưởng đến tình hình biến đổi khí hậu của nước ta. Năm 2019, mùa mưa kết thúc sớm, lượng nước lũ đổ về nhỏ và ít; cùng với đó dòng chảy trên lưu vực thượng nguồn sông Mekong lại xuống thấp đã khiến cho hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn xuất hiện sớm, đe dọa tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn xuất hiện sớm đang đe dọa tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân tại nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long

 
Thực tế cho thấy, vào mùa vụ gieo trồng giai đoạn từ 2015- 2016, trước những tổn thất nặng nề làm ảnh hưởng lớn tới nền sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống của người dân ở khu vực này, đã có nhận định đây là thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn với những diễn biến khốc liệt nhất trong lịch sử.

 
Con số thống kê cho thấy, vụ Đông- Xuân năm 2015- 2016, trên khắp các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, khi bà con nông dân đã xuống giống được hơn 971.000 ha lúa (chiếm trên 62% diện tích lúa của toàn khu vực) thì có tới trên 339.000 ha bị hạn hán, xâm nhập mặn.

 
Không những thế, tình trạng thiệt hại của người dân vẫn còn tiếp diễn cho tới tận vụ sản xuất Hè- Thu năm 2016. Theo ước tính, có khoảng 500.000 ha lúa tiếp tục bị ảnh hưởng lớn, tương đương với 1 triệu hộ dân và khoảng 5 triệu người gặp khó khăn; trong đó, có đến 150.000 hộ lâm vào hoàn cảnh thiếu nước ngọt dùng trong sinh hoạt.

 
Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn quốc gia đưa ra khuyến cáo, trong những tháng cuối năm 2019, tổng lượng mưa ở khu vực Nam bộ đang thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm từ 10- 30%. Do đó, khu vực ĐBSCL nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô 2019- 2020. Thậm chí, dự báo từ nửa cuối tháng 12/2019 đến tháng 02/2020, tình trạng này sẽ còn diễn biến với mức độ gay gắt và nghiêm trọng hơn.

 
Theo đó, thời điểm giữa tháng 12/2019, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong đất liền từ 40- 50 km (cao hơn năm 2016 khoảng 3- 5 km). Từ tháng 01 cho đến giữa tháng 3/2020, ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào đất liền từ 55- 110 km (cao hơn 3- 7 km so với năm hạn mặn lịch sử). 

 
Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp như vậy sẽ gây nên những rủi ro rất lớn, làm ảnh hưởng tới vụ sản xuất Đông- Xuân của bà con nông dân sinh sống tại các khu vực cách biển từ 50- 60 km. Cụ thể, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tác động trực tiếp đến 10/13 tỉnh; với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc khu vực ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang.
 

Hạn, mặn không chỉ gây thiệt hại đối với việc canh tác cây lúa, nghề nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích canh tác nhiều loại cây ăn trái với các mức độ khác nhau như: Bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, cam, nhãn… Ngoài ra, cũng sẽ gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân tại các địa phương do sự thiếu hụt về nguồn nước ngọt; đồng thời còn là nguy cơ dẫn đến hiện tượng cháy rừng…

 
Tại các tỉnh như: Hậu Giang, An Giang, Long An đã bị nhiễm mặn khoảng 50%. Nhiều khu vực do nhiễm mặn sâu và diễn biến liên tục trong thời gian dài nên người dân đã không còn đủ lượng nước ngọt để dùng trong sinh hoạt, điển hình như ở thành phố Rạch Giá- tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, tình trạng khô hạn, thiếu nước cũng đang khiến cho nguy cơ cháy rừng ở một số tỉnh như: Cà Mau, Đồng Tháp, Long An có mức độ ngày càng nghiêm trọng.

 
Theo thống kê của các tỉnh khu vực ĐBSCL cho thấy, vụ Đông- Xuân năm nay, toàn vùng sẽ có khoảng 200.000 ha đất canh tác nông nghiệp chịu sự ảnh hưởng; trong đó, có 90.000 ha bị nhiễm mặn ở cấp độ nặng. Bên cạnh đó, khoảng 80.000 ha trồng cây ăn quả cũng sẽ phải gánh chịu những tác động xấu vì nếu bị nhiễm mặn thì có thể người dân phải mất từ 5- 10 năm sau mới có thể khôi phục lại được số diện tích vườn trồng. Dự báo, có khoảng 120.000 hộ dân ở miền Tây sẽ bị thiếu nước ngọt để phục vụ trong sinh hoạt.

 
Bến Tre là địa phương đầu tiên trong vùng phải hứng chịu sự ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất. Trên hầu hết các tuyến sông, kênh, rạch, hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu, cách cửa sông khoảng từ 60- 76 km, trực tiếp ảnh hưởng đến hàng nghìn ha canh tác hoa màu và cây ăn quả của bà con nông dân trong tỉnh. 

 
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, kết quả đo mặn tại 13 điểm trên các sông chính gần đây cho thấy hiện nước mặn đã xâm nhập hầu như toàn bộ các nhánh sông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Độ mặn 4‰ đã xâm nhập, cách các cửa sông chính khoảng 25- km; trong đó, sâu nhất là trên sông Hàm Luông, đoạn chảy qua địa bàn xã Thạnh Phú Đông- huyện Giồng Trôm và xã Minh Đức- huyện Mỏ Cày Nam. Độ mặn 1‰ cũng đã xâm nhập sâu nhất đến thị trấn Chợ Lách- huyện Chợ Lách, đoạn trên sông Cổ Chiên và cách cửa sông khoảng 76 km. 

 
Đáng chú ý, đối với vùng sâu nhất nằm trong đất liền của tỉnh thuộc địa bàn huyện Chợ Lách hiện cũng bị nước mặn xâm nhập gần như toàn bộ. Tình trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trong huyện.

 
Cụ thể: Gần 10.000 ha diện tích trồng cây ăn quả và cây giống, hoa kiểng của bà con đang phải chịu sự đe dọa trực tiếp của nước mặn xâm nhập. Trong đó, có khoảng 11 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ dịp Tết sắp có nguy cơ bị thiệt hại; ngoài ra, khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống cũng bị thiệt hại lớn do mẫn cảm với nước mặn.

 
Trước diễn biến phức tạp của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm đưa ra nhiều giải pháp cấp bách để phòng, chống nhằm làm giảm thiểu những thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Theo đó, tỉnh khuyến cáo bà con kiên quyết không tiếp tục xuống giống để sản xuất lúa vụ 3, đặc biệt là những người dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt.

 
Đồng thời, tỉnh đã chủ động triển khai đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động về nguồn nước canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp; ngành chức năng cũng khuyến cáo về mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy đủ lượng nước tưới cho phù hợp nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước ngọt tưới trên cây trồng.

 
Tỉnh Sóc Trăng cũng đang chủ động nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019- 2020.

 
Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt diễn ra vào năm 2015- 2016 đã gây thiệt hại nặng nề đối với bà con nông dân tại các huyện: Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên… chính quyền tỉnh đã tích cực đầu tư nâng cấp, tu bổ mới hệ thống công trình thủy lợi và tổ chức việc nạo vét các kênh nội đồng.

 
Mùa khô 2019- 2020, trước những dự báo về tình trạng xâm nhập mặn sẽ có tác động xấu đến hoạt động sản xuất của người dân, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

 
Tại tỉnh Tiền Giang, giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng được chính quyền tỉnh cùng ngành chức năng hướng dẫn, khuyến khích bà con nông dân áp dụng và triển khai tích cực. Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, hỗ trợ để giúp chuyển đổi trên 1.600 ha đất lúa sang trồng các loại rau màu như: Hành, hẹ, dưa leo, mướp đắng... Việc làm này nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra, đồng thời sớm ổn định đời sống cho người dân tại những địa bàn canh tác gặp nhiều khó khăn.

 
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, từ đầu vụ, Chi cục đã khuyến cáo bà con nông dân trong vùng dự án ngọt hóa huyện Gò Công về những tác hại khó lường của hạn mặn và tình hình biến đổi khí hậu. Đặc biệt, đối với những vùng ở xa nguồn nước thì càng cần thiết phải chuyển đổi cây trồng hoặc áp dụng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước tưới. Qua đó, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm bớt được thiệt hại do thiên tai gây ra.

 
Đối với giải pháp mang tính lâu dài, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành khi đầu tư cho những công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt ở vùng ĐBSCL cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh. Đồng thời, các tỉnh, thành trong vùng cũng cần liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu; tránh manh mún, cục bộ. Đặc biệt, cần phát động trong nhân dân liên kết chặt chẽ với nhau để hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp. 

 
Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đẩy mạnh việc nghiên cứu để chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực và thực phẩm có khả năng chịu hạn, mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; quy hoạch, bố trí lại vườn cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc chuyển đổi cây trồng. Cùng với đó là hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc theo sông lớn, xây dựng các cống ngăn mặn tại các điểm trọng yếu của các vùng chuyên canh cây ăn quả.


 

Nghĩa Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn