Nông dân đồng bằng sông Cửu Long tập trung sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
16:53 - 28/06/2019
(MTNT) - Khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng diện tích đất canh tác 3,94 triệu ha vốn được xem là một trong những đồng bằng màu mỡ, có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á nói chung và đứng đầu Việt Nam nói riêng.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn giúp bà con nông dân vừa có thêm thu nhập, vừa ứng phó được với tình trạng hạn mặn tại nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long

 

Những năm qua, nơi đây vẫn luôn được đánh giá là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như phục vụ xuất khẩu. Riêng năm 2018, ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây.
 

Tuy nhiên, trước các yếu tố cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) gia tăng trong thời gian gần đây đã tạo áp lực lớn trong việc phát triển ngành nông nghiệp. Thậm chí, theo như dự báo trong thời gian tới, tình trạng BĐKH sẽ còn tiếp tục diễn ra phức tạp, gây nên những thiệt hại lớn. Những khó khăn này cũng sẽ khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trong toàn vùng giảm dần sự trù phú; từ đó, việc cải thiện sinh kế và tạo việc làm cho bà con nông dân 13 tỉnh, thành trong khu vực ngày càng trở nên khó khăn.

 
Bên cạnh đó, về cơ cấu phát triển kinh tế hiện tại trong vùng cũng đã và đang cho thấy những yếu tố không còn phù hợp. Mặt khác, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển liên tục diễn ra với cường độ ngày càng nhiều và chuyển biến nhanh hơn cũng khiến đời sống bà con nơi đây gánh chịu nhiều rủi ro.

 
Từ tất cả những yếu tố bất lợi kể trên kéo theo hệ lụy của nó chính là đã có không ít bà con nông dân ở khu vực này đành phải bỏ xứ ra đi tìm sinh kế; nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là vì người dân không thể thay đổi và thích ứng kịp với những biến động bất lợi cả về điều kiện tự nhiên lẫn yếu tố thị trường.

 
Trước thực trạng khó khăn này, chính quyền địa phương tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã kịp thời đề xuất và đưa vào áp dụng những giải pháp cụ thể để giúp bà con nông dân dần ứng phó, thích nghi với BĐKH. Qua đó, bảo vệ và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đảm bảo sinh kế, ổn định đời sống cho người dân ở địa bàn nông thôn.

 
Tại thành phố Cần Thơ, thời gian gần đây, các cấp chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện quy hoạch ngành nông nghiệp định hướng sản xuất quy mô lớn với những vùng sản xuất hàng hóa tập trung vừa thích ứng với BĐKH, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định trên từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Hiện toàn thành phố đã thực hiện xong chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao với cánh đồng lớn. Cụ thể, đã hình thành và mở rộng được tổng cộng 106 cánh đồng với diện tích canh tác 25.000 ha thu hút hơn 18.000 hộ dân tham gia.

 
Cùng với đó, thành phố cũng khuyến khích bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng đối với những diện tích đất không phù hợp với cây lúa, dần chuyển sang trồng cây màu và tập trung phát triển mô hình các vườn cây ăn trái kết hợp làm du lịch sinh thái. Đối với ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng đang được chính quyền thành phố chỉ đạo đẩy mạnh và phát triển theo hướng tập trung, an toàn sinh học; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, ASC…) để cung cấp ra thị trường nguồn sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.

 
Đối với Hậu Giang, là một tỉnh thuần nông nghiệp, với trên 80.000 ha đất sản xuất trồng lúa. Hàng năm, mỗi khi xảy ra tình trạng hạn hán hay xâm nhập mặn cũng đã gây ra khá nhiều thiệt hại ảnh hưởng tới đời sống và thu nhập của bà con nông dân. Nhằm chuyển đổi sang những mô hình sản xuất bền vững, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp với mục tiêu đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

 
Tham gia vào dự án này có 32 đơn vị cấp xã thuộc 6 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng số 36.600 hộ nông dân, thực hiện trên diện tích 40.000 ha đất trồng lúa chuyên canh. Cùng với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, toàn tỉnh hiện đang tập trung mọi nguồn lực nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

 
Cụ thể, tại địa bàn xã Lương Nghĩa- huyện Long Mỹ, vùng đất thường xuyên bị nhiễm mặn, hiện nay nhiều hộ nông dân trồng lúa đã nhanh chóng thay đổi dần cuộc sống nhờ tích cực thực hiện chuyển đổi sang mô hình lúa- tôm. Bằng phương thức sản xuất mới là mùa mưa trữ nước ngọt để trồng lúa còn mùa khô lấy nước mặn vào nuôi tôm (thay thế cho lúa vụ 3), từ đó bà con nông dân trong xã đã ứng phó được với hạn, mặn, cải thiện, nâng cao thu nhập.

 
Điển hình như hộ ông Võ Thái Hùng, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa nhờ mạnh dạn chuyển đổi 12 công đất sản xuất lúa bị nhiễm mặn nhiều năm sang mô hình kết hợp trồng lúa- nuôi tôm sú đã thu hái được thành công qua 2 vụ tôm trúng mùa trúng giá. Theo đó, vào thời điểm mặn xâm nhập, ông Hùng lại tiến hành thả nuôi tôm trên đất lúa, ước tính lợi nhuận thu về của gia đình ông đạt khoảng gần 20 triệu đồng/vụ. Từ thành công bước đầu, hiện ông đang tiến hành mở rộng thêm 18 công đất để vừa tiếp tục trồng lúa, vừa gối vụ nuôi tôm sú.

 
Toàn tỉnh Cà Mau hiện cũng có khoảng 40.000 ha đất sản xuất lúa và nuôi tôm; trong đó, tập trung nhiều tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Cái Nước. Trước tác động xấu của tình trạng BĐKH, nhiều diện tích canh tác theo hình thức này đang gặp phải những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trước sự chủ động, linh hoạt của bà con nông dân cùng sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng và chính quyền địa phương, hiện nay hình thức sản xuất kết hợp lúa – tôm đang được đánh giá là hiệu quả bởi vừa thích ứng được với BĐKH vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.

 
Thời gian qua, trước tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến ngày một nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng rất lớn cả diện tích và năng suất cây trồng của người dân (trong đó, chủ yếu là cây lúa).

 
Trong toàn tỉnh, diện tích canh tác lúa giảm khoảng 10.000 ha để tập trung chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn và trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như: Dừa, cây ăn quả, rau màu, cỏ... Qua đó, giúp ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Đồng thời, để ứng phó với tình trạng hạn mặn, hiện các cấp chính quyền tỉnh đã triển khai nghiên cứu những công nghệ tưới tiêu khoa học nhằm tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng.

 
Cụ thể, nhiều địa phương như: Thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên đã triển khai thực hiện việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên những diện tích trồng rau màu. Bên cạnh đó, nhiều dự án triển khai tại địa phương đã khuyến khích bà con nông dân phát triển và chọn tạo những giống cây trồng có khả năng chống chịu với các điều kiện bất lợi của thời tiết (dưa chuột, dưa hấu…); bảo tồn các giống cây trồng ở địa phương và thành lập ngân hàng giống.
 

Tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, với diện tích khoảng hơn 12.900 ha; trong đó, đã có 9.850 ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Thực tế cho thấy, các giống quả như thanh long, bưởi da xanh đang cho lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa; lợi nhuận từ cây sầu riêng thậm chí còn có thể lên đến 1 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 18 lần trồng lúa). Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp cải thiện môi trường canh tác do bà con nông dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm nước so với trồng lúa, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

 
Vùng chuyên canh cây thanh long của HTX Kiểng Phước Gò Công tại địa bàn xã Kiểng Phước- huyện Gò Công Đông, trước đây vốn là vùng đất khô cằn, sản xuất bấp bênh do bị nhiễm mặn khá nặng. Hiện nay, nhờ tập trung chuyển đổi sang chuyên canh trồng giống thanh long ruột đỏ, toàn vùng đã có hơn 30 ha diện tích sản xuất với 30 hộ dân tham gia HTX, mô hình cũng đã bắt đầu cho quả. Trong vụ đầu, lợi nhuận từ giống thanh long ruột đỏ đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Đến nay, nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, diện tích lúa được bà con chuyển đổi sang trồng thanh long trong toàn xã đã đạt hơn 80 ha và sẽ còn tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

 
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp thông minh chính là giải pháp tất yếu, không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường, thích ứng BĐKH mà còn mở ra hướng đi cho nền kinh tế xanh, bền vững.

 
Mặt khác, đối với chính quyền các địa phương trong khu vực ĐBSCL cần thay đổi nhận thức để biết rằng tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn đã không còn hợp thời nữa; người dân phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… bền vững, hài hòa thiên nhiên.

 
Hiện nay, nhiều mô hình nông nghiệp xanh, hiệu quả đã được áp dụng phổ biến tại nhiều địa phương như: Mô hình trồng lúa – nuôi tôm; trồng lúa – nuôi cá; trồng lúa chịu mặn… Đó đều là những mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường, đặc biệt là thích ứng với BĐKH. Những mô hình bước đầu đó chính là cơ sở để các địa phương tiếp tục khuyến khích bà con nông dân nhân ra diện rộng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững…


 
Xuân Nhường
 
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn