Giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp
(MTNT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, an toàn đê điều, chống hạn hán... trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là những vấn đề cấp bách cần giải quyết đối với ngành nông nghiệp.
|
Biến đổi khí hậu gây hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp |
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), BÐKH làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/héc-ta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050…
Dự báo đến năm 2100, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập 89.473 héc-ta, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...
|
Nhận thức rõ tác động nhanh, mạnh và khó lường của thiên tai và biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã đề ra các giải pháp nhằm giúp lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi có thể thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường.
Tại Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra; chủ động phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển; giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP từ 8% đến 10% so với năm 2010…
Thực hiện nghị quyết, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan 68 nhiệm vụ, trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong giảm phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách. Đây là các nhóm giải pháp được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016-2020…
Về nhóm giải pháp thể chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN& PTNT), cho biết, hiện Bộ đã xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Bên cạnh đó, Bộ định hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Đối với nhóm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng hệ số phát thải quốc gia cho lúa và cây trồng cạn phục vụ nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính…
Thêm vào đó, Viện đã nghiên cứu và triển khai 24 mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của biến đổi khí hậu cho 5 loại cây trồng chủ lực (lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía) tại 3 vùng: Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng và duyên hải miền Trung. Các mô hình này thành công sẽ tạo hướng đi mới trong canh tác, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân…
Về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, Viện Môi trường nông nghiệp đã xây dựng 12 quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập úng, xâm lấn mặn, rét hại…
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, từ nay đến 2020, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu phải nghiên cứu sử dụng hợp lý, hiệu quả đất trồng lúa, sản xuất lúa thích ứng với BĐKH, có chất lượng và giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tại các vùng trồng lúa trọng điểm.
Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản, nông nghiệp ven đô, nông lâm kết hợp, trồng trọt và du lịch sinh thái.
Đặc biệt, việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu, cà phê, chè) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) được chú trọng để vẫn duy trì được năng suất cây trồng.
Về lâu dài, khi mà BĐKH sẽ biến đổi các vùng đất bị hoang mạc hóa hay ngập lụt thì phải bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH.