Sau khi có những thông tin dự báo mùa đông năm 2018 sẽ đến sớm hơn mọi năm và có thể có rét đậm, rét hại, từ đầu tháng 8, ngành NN-PNTT tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều biện pháp chống rét cho vật nuôi.
Đợt rét 2017, đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 0 độ C đã có 2.465 con gia súc bị chết (trâu 1.425 con, bò 905 con, ngựa 11 con, dê 124 con), gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế của người nông dân.
|
Mùa đông 2017 Cao Bằng có 2.465 con gia súc bị chết rét |
Nguyên nhân chính được ngành NN-PTNT tỉnh chỉ ra là do ý thức của bà con đồng bào dân tộc vùng cao trong việc thực hiện phòng chống rét cho đàn vật nuôi chưa cao, còn chủ quan và không tích trữ đủ nguồn thức ăn dự trữ cho vật nuôi. Nhiều hộ dân còn không có biện pháp che chắn gió cho chuồng trại, thậm chí là vẫn thả rông gia súc dù nhiệt độ xuống rất thấp và mưa rét.
Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết, mùa đông vừa rồi có rất nhiều gia súc bị chết như vậy không chỉ là do thời tiết gây ra, là sự chủ quan của nông dân, mà còn có một phần trách nhiệm của ngành trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống rét.
Vì vậy để chủ động đối phó với thời tiết giá lạnh của mùa đông năm nay, ngay từ đầu tháng 8, lãnh đạo Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện tốt các nội dung về vấn đề phòng chống rét. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này.
Sở NN-PTNT đã yêu cầu từ cấp cơ sở phải xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung về phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc đến các thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Qua đó triển khai sớm công tác tuyên truyền đến từng hộ nhằm đảm bảo chuồng trại chắc chắn, chuẩn bị sẵn phông bạt che chắn gió. Yêu cầu bà con dự trữ chất đốt như củi, cỏ, cành cây khô để sưởi ấm đàn gia súc những ngày rét đậm, rét hại, và dự trữ đầy thức ăn cho gia súc. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng nuôi gia súc luôn khô ráo, không đọng nước.
Ngoài ra, yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các huyện bám sát địa bàn được phân công. Triển khai nhiệm vụ đến tận thôn, xóm, bản phải vào cuộc để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động đối phó với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông vùng cao.
Nhờ sự tuyên truyền của cán bộ thôn, xóm mà nhiều hộ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ vật nuôi của gia đình. Sự kết hợp giữa chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi bước đầu đã đem đến hiệu quả nhất định.
Nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn nuôi trâu bò đã không còn chủ quan như những năm trước. Đã sẵn sàng ứng phó với một mùa đông được dự báo có diễn biến khó dự đoán và có thể rét đậm, rét hại sắp tới. Nhất là các địa phương vùng cao như Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lâm... Vì vậy mà nhiều người dân đã có nhận thức rất tốt về vấn đề này. Ông Nông Văn Hòi ở xã Mã Ba, huyện Hà Quảng là một ví dụ cụ thể. Hiện gia đình ông Hòi gần 20 con trâu, bò. Để đề phòng mùa rét đang đến, ông đã gia cố, che chắn và vệ sinh chuồng trại cẩn thận, sạch sẽ và chuẩn bị sẵn sàng thức ăn cho đàn gia súc của gia đình.
Không chỉ tuyên truyền cho người dân cách phòng chống rét, ngành NN-PTNT Cao Bằng cũng đã chỉ đạo cán bộ thú y viên hướng dẫn bà con ủ chua thức ăn cho gia súc, bổ sung muối ăn phù hợp với thể trọng trâu, bò. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho vật nuôi theo quy định như tụ huyết trùng, lở mồm long móng… chủ động tẩy giun nâng cao đề kháng cho vật nuôi. Áp dụng các biện pháp phòng chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, ký sinh trùng… Đồng thời chỉ đạo cấp cơ sở, địa phương phải theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh, thời tiết.
Cao Bằng là một trong những tỉnh có tổng đàn gia súc gia lớn với hơn 200 ngàn con. Vì vậy việc chủ động phòng tránh rét sẽ là giải pháp nhằm giảm thiệt hại tối đa cho người chăn nuôi. |