(MTNT) – Khu vực đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất trong cả nước; đồng thời, nơi đây còn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và cũng là địa bàn sinh sống của gần 20 triệu người dân. Thế nhưng, trong những năm gần đây, tại tất cả các địa phương thuộc khu vực này hiện đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng.
|
Hiện tượng sạt lở nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn khắp 13 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng tới sinh kế của người dân |
Điều đáng lo ngại là theo như dự báo và đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, tình hình sạt lở, xói mòn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô; với những diễn biến hết sức phức tạp, khó dự đoán. Tình trạng này đang đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của nhiều khu dân cư trong vùng cũng như các công trình hạ tầng nằm ven sông, ven biển.
Hiện nay, tuy đang là thời điểm giao giữa mùa khô và mùa mưa, song tình hình sạt lở đất đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê trong những năm gần đây, tình hình sạt lở ở các địa phương như: Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre… vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là tại những khu vực ven sông, ven biển.
Một số khu vực sạt lở trọng điểm được chỉ ra như vị trí ở các bờ biển của các huyện: Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang); Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy thuộc xã Đất Mũi, bờ biển Tây và khu vực cửa Rạch Gốc- huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau)…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & PTNT, tính trên khắp 13 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có khoảng 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km2. Trong đó, có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149 km2 đang cần phải xử lý cấp bách để có thể đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của Nhà nước cũng như của người dân với tổng kinh phí cần đầu tư dự kiến vào khoảng 6.990 tỷ đồng. Còn lại 25 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm ở 11 tỉnh với tổng kinh phí để phòng chống, khắc phục ước tính trên 3.500 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa tìm được nguồn vốn để đầu tư.
Tại tỉnh An Giang, ngay trong những tháng đầu năm 2018, ngoài một số địa bàn đã từng bị sạt lở từ các năm trước như: An Phú, Chợ Mới, Châu Phú, thị xã Tân Châu, hiện tượng sạt lở nghiêm trọng còn tiếp tục xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Khánh- thành phố Long Xuyên. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã phải tiến hành di dời khẩn cấp hàng chục căn nhà của người dân trên địa bàn do sạt lở đã lấn sâu vào tới hơn 1/2 diện tích tuyến đường giao thông huyết mạch của xã nông thôn mới này.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường An Giang Trần Đặng Đức cho biết: Chỉ trong 2 năm, toàn tỉnh đã xảy ra 38 vụ sạt lở bờ sông, làm trôi 142 căn nhà và nhiều tài sản khác của người dân. Tại thời điểm đó, có tới 51 đoạn sông với tổng chiều dài trên 162 km2 đang có nguy cơ sạt lở (chiếm 40% chiều dài đường bờ sông trải dọc trên địa bàn của tỉnh).
Tại Đồng Tháp, tính đến thời điểm này, trên các vị trí của bờ sông Tiền đi qua tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở ở 25 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài 35 km2, cuốn trôi hơn 13 ha đất ven bờ, gây thiệt hại khoảng trên 29 tỉ đồng. Ngoài ra, tại nhiều địa bàn trong tỉnh còn xảy ra hiện tượng sạt lở đất dọc các bờ bao, kênh, rạch, sông nội đồng với chiều dài sạt lở hơn 5 km2, ăn sâu vào bờ từ 2- 6m. Như vậy, tổng diện tích sạt lở đất khoảng 1,3 ha, ước thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.
Còn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cách đây không lâu, khu vực tổ 7 và 8, ấp Phú Đa- huyện Chợ Lách đã xảy ra 2 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng; riêng tại biển Cồn Bửng thuộc địa bàn huyện Thạnh Phú, mỗi năm sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 8- 10m. Hay tại thành phố Cần Thơ, hiện cũng đã phát hiện trên 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52,7 km2.
Đáng chú ý, tại tỉnh Cà Mau, hiện có hơn 90 km2 tuyến đê bờ biển phía Tây thì có tới gần 60 km2 bị sạt lở. Kể từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều vị trí thuộc bờ biển Đông của tỉnh này cũng nằm trong tình trạng sạt lở hết sức nguy hiểm; không những thế, còn đang tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới.
Bên cạnh đó, những năm qua, do hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như các tác động tiêu cực đến từ con người đã khiến cho các khu rừng ven biển Cà Mau ngày càng biến mất dần do bị xói lở. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp & PTNT Cà Mau; toàn tỉnh có khoảng 150 km2 bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng; khoảng 450 ha đất, rừng phòng hộ bị cuốn về biển mỗi năm. Thậm chí, nhiều đoạn sạt lở ăn vào sát chân của đê biển, đe dọa đến 100.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Riêng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh đã bị mất khoảng gần 5.000 ha.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn- Cục phó Tổng Cục Phòng chống thiên tai- Bộ Nông nghiệp & PTNT: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long là do vùng này thuộc hạ lưu của sông Mê Kông. Do đó, kết cấu nền đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, dễ bị xói lở do tác động của các yếu tố tự nhiên và nhân tạo.
Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây hiện tượng sụt lún đất tăng dần lên trong những năm qua. Nếu tính trong khoảng thời gian 25 năm (từ năm 1991- 2016), nhiều vùng ở khu vực này có mực nước ngầm hạ xuống thấp hơn 5m gây nên sự sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực khoảng 1,1 cm/năm; thậm chí, có những nơi sụt lún tới 2,5 cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Cùng với đó, các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu cũng ảnh hưởng đến việc sụt lún tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thống kê của năm 2016 cho thấy, tổng lượng khai thác cát vào khoảng 15 triệu m3, dự báo trong những năm tới, ngập lụt tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng mạnh, nhất là ở vùng ven biển và giữa đồng bằng.
Ngoài ra, diện tích vùng ven biển bị ngập do triều cường gia tăng, đe dọa sự tồn tại của hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn; hiện tượng xói lở ở sông, kênh và bờ biển sẽ rất khó lường… Tất cả những hiện tượng này sẽ dẫn đến tình trạng mất đất ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước những diễn biến hết sức phức tạp và cấp bách của tình trạng sạt lở nói trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở. Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng nhằm tập trung cho việc khắc phục thiệt hại do sạt lở.
Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ đã bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục trước hết đối với 17/42 vị trí trong khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đối với 25 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại, cần sớm được giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ cho các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai.
Song song với việc triển khai xây dựng công trình kè và đặc biệt là đê mềm tại những điểm sạt lở, các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội đang gây bức xúc hiện nay như: Khai thác cát dưới sông không quy hoạch, cấp phép khai thác cát quá mức; tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kênh rạch… Đồng thời, các địa phương cần chú trọng tới biện pháp trồng rừng giữ đất (nhất là cây đước, sú vẹt); nghiên cứu phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo lãnh đạo của các địa phương cần nhanh chóng bố trí, sắp xếp di dời dân ra khỏi khu vực bờ sông hoặc những nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Đặc biệt, đối với công tác quản lý, quản lý tổng hợp vùng bờ, cần triển khai theo hình thức xã hội hóa, gắn với trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; kiểm soát việc sử dụng và khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng lún sụt đất; rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển để hạn chế các tác động gây xói lở bờ biển; rà soát quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao; chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất…
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác chặt chẽ với các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, đặc biệt là với Trung Quốc, Lào trong hoạt động điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô. Cần nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế xác định các giải pháp phòng chống sạt lở phù hợp với từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu... Tập trung xử lý, không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, trước hết là tại 25 khu vực do Bộ Nông nghiệp & PTNT và các địa phương đã tổng hợp.
Các cấp, các ngành chuyên môn cần phải tập trung nghiên cứu căn bản việc phân lũ ở Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên, không để lưu lượng nước quá lớn kéo xuống sông Tiền, sông Hậu; nghiên cứu gấp đập Tha La - Trà Sư ở tỉnh An Giang mà vừa qua các nhà khoa học đề xuất. Đồng ý về chủ trương bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long và cần tiếp tục tìm các nguồn lực khác để bổ sung vào Quỹ để giải quyết kịp thời hơn những vấn đề bức xúc, cấp thiết do tác động của biến đổi khí hậu.