Tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở An Giang
11:37 - 09/02/2018
An Giang có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một phần diện tích nằm trong vùng tứ giác Long Xuyên, có đường biên giới giáp Campuchia, cũng là tỉnh có nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp. 

Thời gian qua, vượt qua mọi khó khăn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

An Giang có nhiều nông đặc sản quý.

Tính đến cuối năm 2017, An Giang đã có 33/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 27,32%), 2 thành phố Long Xuyên và Châu Đốc hiện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong phát triển nông nghiệp, An Giang chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành mang tính toàn diện và bền vững, đạt hiệu quả thật sự cả về bề rộng lẫn chiều sâu, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, phấn đấu tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha vào năm 2020, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài nguyên, sức lao động, công nghệ...”.
 

Để đạt được mục tiêu này, An Giang đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Xác định bốn loại sản phẩm chủ lực, gồm: Lúa, cá tra, rau, màu và cây dược liệu; tập trung phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại, mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng ruộng đất làm kinh tế trang trại theo mô hình công ty cổ phần, vận động người dân góp vốn bằng đất.

Các địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi. Diện tích trồng lúa hiện nay của tỉnh khoảng 469.200ha, giảm gần 20.000ha; tổng diện tích cây ăn trái tăng lên 15.800ha, riêng diện tích xoài trên 9.300ha.
 

Năm 2017, tỉnh An Giang có 45 doanh nghiệp ký liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân qua mô hình 19 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác, tích tụ gần 20.600ha đất sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; xây dựng được 24 mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi tôm trên đất lúa ở Thoại Sơn, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha, gấp 5 lần trồng lúa; mô hình trồng rau VietGAP, rau hữu cơ có gần 20ha tại TP.Long Xuyên; trồng nấm rơm; nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 336ha, sản lượng hơn 98.000 tấn...

UBND tỉnh đã phê duyệt 8 quy hoạch chi tiêt vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho 08 nhóm sản phẩm; Sở Nông nghiệp và PTNN đã hỗ trợ thực hiện 40 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn liền với ứng phó để thích nghi với biến đổi khí hậu.
 

Để ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đã chủ động triển khai có hiệu quả một số dự án như: Xây dựng hồ chứa nước vùng khô hạn cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng núi huyện Tri Tôn; Quản lý nước thích ứng với BĐKH tỉnh An Giang; Dự án thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; Dự án chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế sạt lở, bảo vệ đô thị thành phố Long Xuyên; Dự án quản lý nước và tái trồng rừng tràm trên đất ngập nước; Dự án xây hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt và tưới cho vùng khô hạn của người Khmer ở huyện Tịnh Biên; Dự án đê bao bảo vệ thành phố Châu Đốc trong điều kiện nước biển dâng; Dự án thủy lợi vùng cao ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên…
 

Vì An Giang có tới 84,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên việc tập trung xây dựng, củng cố các công trình thủy lợi, bảo đảm nước sản xuất, sinh hoạt, gắn với triển khai các biện pháp nhằm giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra là vấn đề vô cùng cấp thiết. Thực hiện mục tiêu này, trong năm 2017, tỉnh đã khảo sát xác định 28 điểm kênh, rạch, sông có nguy cơ sạt lở, có chiều dài 2,7km, đồng thời rà soát các vùng xâm nhập mặn, khô hạn… Trên cơ sở đó, An Giang triển khai thực hiện 532/537 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài 462.858m, khối lượng 1.619.996m3, kinh phí 364,003 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, đã triển khai 62 dự án, đề tài cấp tỉnh, 67 mô hình, giải pháp khoa học cấp cơ sở. Các công trình đều hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ ruộng đất và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.          

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn