|
Người dân Bình Phước khoan giếng để cứu cây khỏi hạn hán (ảnh minh họa) |
*Hiện hữu nhiều nỗi lo
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hạn hán và xâm nhập mặn chỉ riêng những tháng đầu năm 2016 đã "cướp" đi của "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 1,2 triệu tấn lúa. BĐKH diễn biến nhanh, phức tạp sẽ khiến vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL có nguy cơ ngập sâu tới 1m sau 100 năm nữa.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội ông Trần Thanh Nhã cho biết, tác động của BĐKH đã tạo ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây khó khăn cho việc cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ lụt; trong đó, 9 công trình lấy nước đầu mối bố trí dọc triền các sông: Đà, Hồng, Đáy hiện nay của Hà Nội không thể lấy được nước, phải bơm 2 cấp, thậm chí là 3, 4 cấp do nguồn nước trên các sông ngày càng cạn kiệt…
GS, TS Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn nhìn nhận, đợt hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ và ĐBSCL năm 2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống của người dân, là bài học vô cùng thấm thía cho nước ta trong việc quy hoạch và sử dụng nguồn nước.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay ngành thủy lợi mới chỉ được tập trung đầu tư các công trình chống lũ, trong khi đó các giải pháp phi công trình lại chưa được chú trọng. Cùng với đó, quản lý thống nhất các lưu vực sông còn yếu là một trong những nguyên nhân góp phần gây lãng phí nguồn tài nguyên nước.
*Giải pháp nào?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhìn nhận về vấn đề trên cho hay, biến đổi khí hậu khiến tần suất bão lũ ngày càng gia tăng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… tác động lớn đến nguồn nước làm thay đổi chiến lược phát triển thủy lợi, cần phải đổi mới để khắc phục. Tuy nhiên, nhiều vùng kinh tế trên địa bàn cả nước hiện không thể phát triển hệ thống thủy lợi lớn thì phải nghiên cứu phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó cần tính đến giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống trữ nước quy mô nhỏ nhằm bổ sung cho nguồn nước ngầm.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho hay, đã đến lúc phải đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư công trình thủy lợi. Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần xem xét, không chỉ chú trọng cây lúa mà còn phải phục vụ nước cho cây trồng khác và phục vụ nuôi trồng thủy sản. Điều này nhằm sử dụng nước một cách hợp lý, đồng thời tăng tính hiệu quả về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đó cũng là cách để nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành này hiện nay.