Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng, suy thoái rừng
(MTNT) - Biến đổi khí hậu đang được coi là mối đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất mà hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt. Sự nóng lên của khí hậu trái đất hiện nay là một thực tế và sẽ tiếp tục diễn ra.
|
Tăng cường trồng rừng tại các khu đất trống ở vùng nhiệt đới là một biện pháp hiệu quả để giảm khí CO2 |
Nguyên nhân của vấn đề này là do sự gia tăng nhanh chóng nồng độ khí nhà kính (GHGs) trong khí quyển. Sự phát thải khí nhà kính chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động của con người, đặc biệt là từ nửa cuối thế kỷ 20 cho đến nay.
Việc tăng cường trồng rừng tại các khu đất trống ở vùng nhiệt đới được biết đến như là một biện pháp hiệu quả để giảm khí CO2một trong những khí nhà kính chính trong khí quyển. Bên cạnh việc nỗ lực trồng rừng và tái trồng rừng trên đất trống đồi trọc, gần đây cộng đồng quốc tế cũng đã quan tâm đến việc quản lý bền vững tài nguyên rừng hiện có.
REDD tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh- Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation in Developing Countries-nghĩa là “ Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển”. Đây là sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 11 (COP11) các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Sáng kiến này xuất phát từ thực tế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng đóng góp một tỷ lệ lớn khoảng 15-20% tổng lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người gây ra trên phạm vi toàn cầu. Ngăn chặn mất rừng, suy thoái rừng là một trong biện pháp hữu hiệu của Liên hiệp quốc nhằm bảo vệ trái đất khỏi hiểm họa do biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khởi động chương trình này.
Ở Việt Nam, chương trình UN-REDD được thiết kế để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các vấn đề phức tạp về kỹ thuật và thể chế chính sách, giúp nâng cao năng lực thực hiện REDD ở trung ương và địa phương, tăng cường sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương. Hà Giang cũng là một trong những địa phương tham gia dự án.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 205 về Hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng” đến năm 2030.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, thông qua các hoạt động REDD+, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, trồng lại rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng từ 55,1% vào cuối năm 2016 lên 58% vào năm 2020; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên 368.802,2ha và 68.066,1ha rừng trồng, nhằm gia tăng tích lũy các bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; nâng cao chất lượng và sử dụng bền vững rừng tự nhiên; khai thác có hiệu quả du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại các khu rừng đặc dụng.
Thực hiện hiệu quả các chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hà Giang sẽ ổn định diện tích rừng tự nhiên đến năm 2030 ít nhất bằng diện tích đạt được tại năm 2020, góp phần định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh; tiếp tục triển khai các dự án trồng rừng, trồng lại rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng đạt 60% vào năm 2030, trong đó của rừng tự nhiên là 48,9%. Nhân rộng các mô hình hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ với trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Hoàn thiện khung hành động của Chương trình REDD+ và tiếp cận các nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh qui hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh theo hướng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững có hiệu quả.