Tưới tiết kiệm nước giúp tăng hiệu quả kinh tế
12:20 - 26/06/2017
(MTNT)- Trước tình hình biến đổi khí hậu và dự báo lượng nước ngày càng sụt giảm, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, giúp giảm lượng nước và công lao động. Ngoài ra, người dân cũng có thể bón phân qua hệ thống tưới nước phun mưa và nhỏ giọt, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây trồng, tiết kiệm chi phí…
Công nghệ tưới tiết kiệm nước phù hợp với cây trồng cạn như cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu, hoa và cây cảnh.

Công nghệ tưới tiết kiệm nước phù hợp với cây trồng cạn như: Cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu, hoa và cây cảnh. Công nghệ này có thể áp dụng cho mọi vùng vùng khí hậu trên mọi địa hình và thổ nhưỡng khác nhau, nhất là vùng khan hiếm nước, địa hình dốc, đất cát, nhiễm mặn.
 
 
Căn cứ cấu tạo, tính năng của thiết bị tưới và hình thức phân phối nước, có thể chia thành 3 loại công nghệ tưới nước tiết kiệm: Tưới nước nhỏ giọt, phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ.
 
 
Tưới nước nhỏ giọt là kỹ thuật cung cấp nước dưới dạng giọt nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây; tưới phun mưa cục bộ là kỹ thuật cung cấp nước cho cây trồng dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi trên diện tích nhỏ xung quanh cây; tưới ngầm cục bộ là kỹ thuật đưa nước vào đất dưới dạng giọt thường xuyên từ thiết bị đặt dưới mặt đất ở vùng rễ cây hoạt động.
 
 
Trong 3 công nghệ trên thì tưới nước phun mưa cục bộ được sử dụng rộng rãi hơn trong sản xuất rau, quả, cây trồng khác. Công nghệ này sử dụng máy bơm nước tạo áp lực cao kèm theo ống dẫn và vòi phun tạo mưa. Đây là phương pháp tưới hiện đại, có tác dụng nhiều mặt cả về tạo độ ẩm cho đất và làm mát cho cây, có thể tiết kiệm được 30-50% lượng nước so với phương pháp tưới tràn theo rãnh.
 
 
Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực như: Cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía cho thấy, việc áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất cây trồng từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
 
 
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả cao về môi trường, nhất là đối với tỉnh luôn xảy ra hạn hán như Ninh Thuận. Nhờ áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tầm thấp nên đã tiết kiệm được từ 40% đến 60% lượng nước tưới; giảm được 30% công lao động; tiết kiệm 30% lượng phân bón; giảm khoảng 4% chi phí đầu tư nhưng lợi nhuận tăng từ 9% đến 11% so với phương pháp tưới kiểu truyền thống. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ thực hiện được có 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích hơn 7.000 ha.
 
 
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, những năm qua, mô hình tưới nước nhỏ giọt và tưới phun mưa đã được người dân trong huyện áp dụng rộng rãi trên tất cả các loại cây trồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đối với hơn 27.000 ha cà phê trên địa bàn có khoảng 20-30% diện tích được áp dụng tưới béc và khoảng 80-90% diện tích hồ tiêu được người dân áp dụng phương thức tưới béc phun mưa, tưới nhỏ giọt.
 
 
Hiện công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó mức vay tối đa bằng 100% giá trị hệ thống thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3. Tuy nhiên, còn ít bà con nông dân vay theo chính sách hỗ trợ trên do chi phí đầu tư ban đầu đối với công nghệ tưới tiết kiệm khá cao, thời gian cho vay ngắn.
 
 
Để mô hình được triển khai kịp thời, rộng khắp, ngoài sự đầu tư vốn của Nhà nước thực hiện xây dựng kênh mương dẫn nước thì chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lồng ghép các nguồn vốn, nhất là vốn trong nhân dân để mở rộng đầu tư mô hình tiết kiệm nước phù hợp với loại cây trồng đặc thù phát triển của địa phương.
 
 

Châu Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn