Cần một giải pháp cụ thể cho vấn nạn ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản
14:51 - 30/11/2016
(MTNT) – Thời gian gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở nước ta nói chung đang gặp nhiều vấn đề đáng lo ngại về môi trường. Thậm chí, theo các cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các ao, hồ nuôi đã ở mức đáng báo động.
Tình trạng cá chết liên tục trong các ao, hồ nuôi buộc phải vớt lên đem đi tiêu hủy gây nhiều thiệt hại


Có rất nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan gây nên tình trạng kể trên. Tuy nhiên, chủ yếu là do tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi và vấn đề biến đổi khí hậu. Từ đầu năm 2016 đến nay, tình trạng tôm cá, nhuyễn thể bị chết liên tục ở khắp các địa phương trong cả nước. Điều này đang gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cũng như làm thiệt hại lớn đến người nuôi.


 
Theo các nhà khoa học phân tích thì có những yếu tố môi trường làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản như: Yếu tố lý học (nhiệt độ, màu sắc, độ trong của nước…); yếu tố hóa học (pH, ôxy hòa tan, độ mặn, độ cứng, kim loại nặng…); muối dinh dưỡng… Trong đó, đáng lo ngại là các yếu tố ô nhiễm gây độc, gồm: COD, NH3, NO2, H2S, kim loại nặng… Bất cứ một hiện tượng nào làm suy giảm chất lượng nước đều bị coi là nguyên nhân gây ô nhiễm nước.


 
Một nguyên nhân khác nữa từ ngay trong chính quá trình nuôi trồng thủy sản gây ra. Do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác làm tích tụ đọng lại dưới đáy ao nuôi; các hóa chất, kháng sinh được sử dụng trong quá trình nuôi trồng cũng dư đọng lại mà không được xử lý triệt để. Việc hình thành lớp bùn đáy do tích tụ lâu ngày của các chất hữu cơ, cặn bã là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, các vi sinh vật sinh các khí độc (NH3, NO2, H2, H2S, CH4....); các vi sinh vật gây bệnh (Vibrio, Aeromonas, Ecoli…) cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật khác.
 


Nhìn chung, cơ chế gây ô nhiễm thường diễn biến theo con đường như sau: Do quá trình nuôi tôm, cá người ta thường sử dụng 2 dạng thức ăn chính là thức ăn xanh (cỏ, lá) và thức ăn tinh (các dạng cám công nghiệp, cám tự nhiên). Nếu nguồn thức ăn này không được kiểm soát tốt, những phần dư thừa sẽ lắng đọng lại và bị phân hủy bởi các vi sinh vật yếm khí, từ đó tạo ra các chất vô cơ, hữu cơ độc hại như CH4 làm giảm lượng oxi hòa tan trong nước.

 
Ngoài ra, sau mỗi trận mưa, môi trường ao nuôi thường bị thay đổi đáng kể làm cho vật nuôi bị sốc, dễ dẫn đến dịch bệnh; nếu tình trạng nặng còn có thể làm chết thủy hải sản. Tất cả những yếu tố kể trên đều gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước nuôi thủy sản cũng như sức khỏe của các loại vật nuôi sinh sống trong môi trường đó.


 
Việc tìm ra những giải pháp mang tính toàn diện, hiệu quả và bền vững trong việc hạn chế và phòng tránh ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là vô cùng quan trọng. Mặc dù chúng ta đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc người dân thực hiện đúng luật định về môi trường.



Đồng thời với đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp phải tự nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chung của cả nước. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, cần tiến hành nuôi theo các hình thức có trách nhiệm với môi trường, xã hội; áp dụng các phương thức nuôi cải tiến nhằm hạn chế và xử lý hợp lý các chất thải trong nuôi trồng thủy sản ra môi trường.

 
Để phát triển một cách bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý triệt để các hình thức vi phạm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản.



 
Khi môi trường nuôi ngày càng xấu đi, việc lựa chọn các mô hình nuôi an toàn sinh học luôn là giải pháp được đưa ra trước hết. Trong đó, quy trình áp dụng nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP, Biofloc, nuôi an toàn sinh học không sử dụng hóa chất, kháng sinh… đều là những mô hình tránh được những tác động cho nguồn nước và mang lại hiệu quả thiết thực.


 
Trong tương lai của nước ta, nếu không áp dụng đúng các luật định về môi trường sẽ gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường chung cũng như ngành nuôi trồng thủy sản nói riêng. Nhất là ở thời điểm hiện nay, khi tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino và La Nina đang có những diễn biến ngày một phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến động vật thủy sản; hiện tượng ô nhiễm độc hại từ các khu định cư, khu công nghiệp vẫn đang hàng ngày thải ra nhiều chất thải gây nguy hiểm cho nghề nuôi trồng thủy sản và cho chính sức khỏe của con người. Làm sao để có được giải pháp toàn diện, hiệu quả và bền vững mới là vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ môi trường của tất cả chúng ta.

 

Ánh Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn