Trồng rừng mới: Bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu
11:34 - 26/10/2016
(MTNT)- Rừng là thành tố quan trọng hàng đầu của tài nguyên sinh vật, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với diễn biến môi trường. Bảo vệ rừng là trọng tâm của bảo vệ môi trường nói chung. Do vậy, thời gian qua, các địa phương đã chú trọng bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng trồng mới, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Trồng rừng mới bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại Thừa Thiên - Huế, các ngành chức năng đã tổ chức trồng mới rừng ngập mặn ven biển, đầm phá để bảo vệ môi trường sinh thái, khu dân cư, nuôi trồng thủy sản. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng diện tích rừng ngập mặn Rú Chá trên địa bàn thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong. Việc mở rộng diện tích rừng Rú Chá nhằm tạo “bức bình phong” rộng lớn bảo vệ khu dân cư, mùa màng cho nhân dân trong mùa bão, lũ, kết hợp phát triển khu du lịch sinh thái. Tại đây, đã trồng mới 10 ngàn cây đước, bần, dừa nước với diện tích 4,6 ha. Sau khi hoàn tất trồng cây, Chi cục Kiểm lâm dựng lưới chắn bao quanh khu vực rừng trồng nhằm ngăn chặn gia súc vào dẫm đạp, ăn cây.
 
 
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, chi cục vừa trồng mới 50 ha rừng ngập mặn tại các cửa sông, cửa biển, ven phá Tam Giang. Sắp đến sẽ trồng mới 200 ngàn cây ngập mặn phân tán trong các khu vực ao nuôi trồng thủy sản, hạ triều và dọc bờ phá, bờ đầm, bờ biển… Sau khi trồng rừng sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ.
 
 
Tại Lai Châu, xác định trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện không chỉ mang lại lợi ích trước mắt về kinh tế mà còn mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, điều hoà không khí, giảm phát thải CO2 đối với tỉnh Lai Châu. Với 9 công trình thủy điện trên toàn tỉnh đã được phê duyệt, hiện đã hoàn thành và đang thi công xây dựng với khoảng gần 2.440 ha diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện.
 
 
Việc trồng rừng thay thế tại các công trình thủy điện ở Lai Châu đã đạt được những kết quả khả quan. Tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ, các hộ gia đình, cá nhân trồng bù rừng đạt 1.504 ha, diện tích còn lại phải trồng bù trong năm 2016 trên 930 ha. Tỉnh xác định loại cây trồng phù hợp đối với từng khu vực như: Cây quế trồng ở những nơi có độ cao dưới 700 m so với mực nước biển, cây Sơn Tra và Thông Mã Vĩ trồng xen kẽ ở nơi có độ cao trên 1.000 m, cây gỗ lớn, sấu, lát, giổi, re… trồng chủ yếu ở các khu vực có độ cao từ 700 - 1.000 m.
 
 
Ở Bình Phước, tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, nằm trên địa bàn huyện Bù Đốp và một phần huyện Bù Gia Mập, ước tính có hàng trăm diện tích đất bán ngập trong tình trạng bị “sa mạc hóa" mỗi khi mùa khô mực nước hồ xuống thấp. Điều đáng nói là diện tích trên, khi trời mưa thường xuyên bị xói mòn, rửa trôi đất xuống bồi lấp lòng hồ, bồi lắng các dòng chảy của sông, suối.
 
 
Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đã triển khai dự án trồng rừng bán ngập từ năm 2012 đến nay với diện tích 80 ha đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, chống xói mòn, rửa trôi, tạo cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Các loại cây trồng chủ yếu là cây gáo nước và cây tràm. Sau 3 năm trồng trên vùng đất bán ngập thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn, tỷ lệ cây sống rất cao (cây gáo nước là trên 95% và cây tràm là trên 60%). Đến nay, dự án bước đầu mang lại hiệu quả tái tạo môi trường sinh thái tự nhiên rất cao, không những tạo cảnh quan sinh thái mà còn góp phần vào việc chống bồi lắng lòng hồ thủy điện, chống rửa trôi đất, góp phần tạo ra nguồn thủy sản phát triển phong phú cho người dân địa phương khai thác. Theo kế hoạch năm 2015-2016, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp sẽ trồng 320 ha diện tích sau khi đã khảo sát thực tế diện tích đất bán ngập, đồng thời nghiên cứu tìm kiếm thêm các giống cây khác phù hợp để rừng bán ngập được phong phú, đa dạng hơn.
 
 
Là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, xã Đông Hoàng (Tiền Hải, Thái Bình) luôn quan tâm đến công tác trồng rừng ngập mặn, qua đó giảm tác hại do thiên tai gây ra, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo.
 
 
Với chiều dài đê biển 2km, diện tích đất bãi triều hàng trăm héc-ta, xã đã tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển khi có bão lớn và hệ thống đê khỏi bị xói lở do triều cường, bảo vệ vùng đất ven biển trước nguy cơ nước biển dâng. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, xã đã trồng mới hàng chục héc-ta rừng ngập mặn. Hệ thống rừng ngập mặn phòng hộ ven biển trên địa bàn xã không ngừng được mở rộng về diện tích. Năm 2009 chỉ có gần 100ha, đến nay đã mở rộng lên hơn 450ha. Tuyến đê biển có rừng ngập mặn che chở đã được bảo vệ an toàn mỗi khi bão lớn đổ bộ. Đặc biệt, từ khi có rừng ngập mặn, môi trường sinh thái vùng ven biển đã được cải thiện, các loài thủy sản phong phú hơn. Các khu bãi ngoài, bãi triều được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản, nhờ đó đời sống của bà con có nhiều thay đổi.
 
 
Với nhiều chuyển biến tích cực, công tác phát triển rừng đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý, phát triển rừng, phát huy có hiệu quả phòng hộ và bảo vệ môi trường – sinh thái, bảo vệ và phát huy tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước
 
 
Tháng 8 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã công bố hiện trạng rừng Việt Nam. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2015, diện tích rừng hiện có của nước ta là gần 14,062 triệu ha. Trong đó, rừng trồng là hơn 3,886 triệu ha. Diện tích cây lâm nghiệp đạt độ che phủ là 39,5%.
 
 
Theo hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đến năm 2020, bên cạnh diện tích rừng đặc dụng sẽ được củng cố, giữ nguyên diện tích, thì rừng phòng hộ và rừng sản xuất sẽ là đối tượng ưu tiên chuyển dịch nhằm đảm bảo quỹ đất phát triển sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cũng như cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương.
 
 

Tuấn Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn