Tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu
(MTNT) – Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong thế kỷ XXI, những ảnh hưởng này còn trầm trọng và khốc liệt hơn nữa. Theo Ủy ban liên chính phủ về BĐKH, nếu không có các biện pháp mạnh mẽ để giảm lượng khí thải toàn cầu thì đến 2100, nhiệt độ Trái đất có thể tăng đến 4,8°C so với năm 1990.
|
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ra tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn |
BĐKH ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nguồn tài nguyên nước. Nguồn nước mặt khan hiếm trong mùa khô gây hạn hán, và quá dư thừa trong mùa mưa gây lũ lụt. Nguồn nước ngầm bị suy giảm dẫn đến cạn kiệt do khai thác quá mức và thiếu nguồn bổ sung.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH. Do nhiệt độ tăng cao, vùng trồng cây nhiệt đới có xu hướng di chuyển về phía Bắc. Vùng trồng cây ôn đới có xu hướng giảm về diện tích. Hạn hán và lũ lụt góp phần ảnh hưởng đến diện tích canh tác.
Ngành lâm nghiệp bị ảnh hưởng do diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp bởi nước biển dâng. Đa dạng sinh học giảm do các loài kém chịu hạn hán, ngập lụt có xu hướng bị tuyệt chủng, các loài có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt sẽ phát triển. Bên cạnh đó cháy rừng và sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến ngành lâm nghiệp.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, Việt Nam cần đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới bằng các chính sách nhằm giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thích ứng với các ảnh hưởng của BĐKH, nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để thích ứng, nhất là trong các lĩnh vực lập kế hoạch, tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng, nhất là cho người nghèo. Thi hành những chính sách tích cực trong các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng của BĐKH.
Từ thực tiễn trên cho thấy, để ứng phó với BĐKH cần điều chỉnh, lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở khoa học, hiệu quả kinh tế và tính đến các yếu tố rủi ro, bất định của BĐKH và nước biển dâng. Đến năm 2015, ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các Bộ, ngành, địa phương đã được rà soát, điều chỉnh.
Lồng ghép vấn đề BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế công trình, cơ sở hạ tầng dựa trên các kịch bản BĐKH. Thực hiện từng bước để đến năm 2030, hoàn thiện và ổn định các khu kinh tế bền vững, chống chịu an toàn với BĐKH.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện và tăng cường thể chế thông qua các hoạt động như:
Thành lập Ủy ban Quốc gia về BĐKH là cơ quan tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ trong nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp quan trọng mang tính chiến lược; huy động, điều phối và giám sát các nguồn lực triển khai các chiến lược, chương trình nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH;
Nghiên cứu xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về BĐKH phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, hài hòa với các chính sách toàn cầu và các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam tham gia;
Tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về ứng phó với BĐKH; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý các vấn đề BĐKH từ Trung ương đến địa phương;
Nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực để ứng phó hiệu quả với BĐKH và hội nhập quốc tế; xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, báo cáo và thẩm định trong các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nước và quốc tế.
Cuối cùng là xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học vào các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đồng thời, thiết lập các cơ chế hỗ trợ cộng đồng dân cư, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ vào các hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.