Ứng phó với BĐKH nhờ dự án cải thiện nông nghiệp có tưới
10:09 - 29/09/2016
(MTNT) - Hiện, Ngân hàng Thế giới (WB) đang tài trợ triển khai Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung của nước ta. Dự án này sẽ cải thiện đáng kể hệ thống nông nghiệp có tưới trong điều kiện thiếu nước sản xuất trầm trọng như hiện nay, giúp nông dân sản xuất thuận lợi hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, ổn định đời sống và phát triển nông nghiệp bền vững.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở nước ta

Việc triển khai dự án này, người nông dân Việt Nam sẽ được “tiếp sức” trong canh tác, sản xuất nông nghiệp, giúp tăng khả năng cạnh tranh, trong điều kiện những yếu tố tự nhiên như đất, nước đang ngày càng suy giảm do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhiều yếu tố tự nhiên khác tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất.

 
Với mục tiêu đó, Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (VIAIP/WB7) được triển khai tại 7 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam. Trong đó hợp phần 3 “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” của dự án sẽ xây dựng một số mô hình gồm: mô hình thâm canh bền vững, sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn (lúa, cây ăn quả) và mô hình sản xuất hàng hoá giá trị cao, thâm canh bền vững đa dạng các loại cây trồng cạn, chuyển đổi sử dụng đất lúa một cách linh hoạt. Mục đích của hợp phần nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH là:


Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thực hành bền vững (ICM, SRI, ICM...), nâng cao hiệu quả sử dụng nước và phân bón, giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác và tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, kết nối được thị trường trong sản xuất.

 
Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên hệ thống canh tác đất cây trồng cạn, đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu thị trường cho từng loại cây màu, mùa vụ canh tác và xây dựng chuỗi giá trị.
 

Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và xuất khẩu, giảm thiểu tồn dư độc hại đối với sản phẩm sau thu hoạch; Phát huy thế mạnh, lợi thế nông sản, đặc sản ở các vùng miền để tạo giá trị thu nhập cao cho người dân.

 
Tại Thanh Hóa đã được chuyển giao và đang áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào xây dựng, trình diễn các mô hình cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng biến đổi khí hậu (climate smart agriculture – CSA). Cụ thể, tỉnh đang tiến hành xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định (Thanh Hóa) với tổng diện tích 125ha; Xây dựng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau quả gắn với chế biến và xuất khẩu diện tích 135ha tại hai huyện Thiệu Hóa và Yên Định.
 

Theo đánh giá bước đầu, sản xuất lúa theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn" khởi đầu chỉ với gần 200 ha nhưng đã cho kết quả tốt, ruộng lúa không còn sâu bệnh, đầu ra cho sản phẩm an toàn, hiệu quả và nông dân thu nhiều lợi nhuận. Việc chủ động chuyển một diện tích lúa nước sang cây trồng cạn là giải pháp “đón đầu” hợp lý, tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất do thiếu nước hoặc sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng ít cần nước, nhưng có giá trị kinh tế cao. Để đối phó với hậu quả của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán xảy ra gay gắt, trong 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 3.300 ha đất trồng lúa không thể sản xuất do thiếu nước, đất trồng lúa không mang lại hiệu quả sang cây trồng cạn.


Trong Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa, thâm canh bền vững sản xuất lúa hàng hóa và sản rau màu xuất khẩu là một trong các ưu tiên và định hướng chính cho hai huyện Thiệu Hóa và Yên Định. Đồng thời, phát triển các cây trồng vụ đông cũng là hướng ưu tiên để tăng thu nhập cho các nông hộ. Hiện tại Yên Định có 7.700 ha qui hoạch cho sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, 200 ha cho sản xuất rau màu xuất khẩu. Tại Thiệu Hóa hiện có trên 1.000 ha qui hoạch cho cây trồng cạn. Đối với sản  xuất lúa, Thiệu Hóa cũng định hướng phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng cánh đồng mẫu.

 
Với Hà Tĩnh xác định đây là dự án quan trọng nhằm hoàn thành cải thiện hạ tầng cơ sở đảm bảo yêu cầu của sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn. Tỉnh Hà Tĩnh đang áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có phương pháp sử dụng nước thu hồi từ lúa và xử lý rác thải để sản xuất nấm ăn tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng 2 hệ thống CSA lúa theo hướng cánh đồng mẫu tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (80ha) và tại xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (100ha); Xây dựng hệ thống CSA chuyên canh sản xuất rau, củ quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (15ha) và xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (35ha).
 

Tại Hà Tĩnh, lúa vẫn được sản xuất trên diện rộng, là cây trồng chính. Tuy vậy cũng có nhiêu diện tích đất được quy hoạch cho các cây trồng cạn, như ngô, lạc và rau các loại. Theo ước tính của bà con nông dân, nếu có thì trường đầu ra thì sản xuất các cây trồng cạn này cho thu nhập 2-3 lần cao hơn so với trồng lúa. Các gói kỹ thuật ICM, IPM chưa được áp dụng nhiều. Tuy thế, ở một số nơi nông dân đã chế biến rơm rạ để nuôi nấm và cộng đồng đã tự đầu tư xây dựng hệ thống thu hồi nước để tưới cho rau màu. Một số nơi đã có các nhóm nông dân được tổ chức để sản xuất rau xuất khẩu. Việc sử dụng rơm rạ để che phủ cho khoai tây vụ đông cũng đã được một số ít nông hộ áp dụng…

 
Việc triển khai tốt dự án này sẽ giúp ngành nông nghiệp vươn tới phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
 
Mai Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn