Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu
14:17 - 24/08/2016
(MTNT)- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam thực tế đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Mưa, tố, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và ngày càng khốc liệt hơn trên khắp các vùng, miền đất nước ta, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Cấp bách ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Được coi là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long với gần 10 triệu dân số của vùng đã đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu.
 
 
Tuy nhiên “vựa lúa lớn nhất VN” đang đứng trước khó khăn và thử thách, nhất là biến đổi khí hậu, nước biển đang xâm nhập mặn. Toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 208.000 ha lúa bị thiệt hại, mất 1 triệu tấn lúa; hơn 9.000 ha cây ăn quả và hơn 200.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…
 
 
Sau cuộc khảo sát tình hình thiệt hại do hạn mặn và biến đổi khí hậu ở tỉnh Bến Tre đầu tháng 5/2016, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Jan Eliasson kết luận, Việt Nam hiện là một trong 22 quốc gia đang phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino.
 
 
Để ứng phó với BĐKH, thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH bằng việc ban hành nhiều quy định về ứng phó BĐKH, nhất là đã từng bước đề cập trong các đạo luật có liên quan như: Luật Tài nguyên nước (năm 2012); Luật Phòng, chống thiên tai (năm 2013); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014); Luật Khí tượng Thủy văn… Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành các quy hoạch, kế hoạch như: Chiến lược quốc gia về BĐKH; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2012 - 2015; Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng” giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng tạo cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện...
 
 
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn và những ảnh hưởng khác từ biến đổi khí hậu là những hệ lụy nghiêm trọng, cần phải có sự tính toán, thực hiện những biện pháp cho lâu dài, song trước mắt cần sớm xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu sản xuất, theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội; điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cần cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016.
 
 
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng có tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu, nghiên cứu, sử dụng các loại cây, con thích ứng với hạn hán, chịu ngập, chịu mặn…, với thời gian gieo trồng thích hợp để giảm diện tích lúa là loại cây cần nhiều nước, vẫn bảo đảm thu nhập cao cho nông dân. Chuyển đổi những diện tích lúa ven biển không hiệu quả, thường xuyên bị mặn uy hiếp, sang nuôi trồng thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý để giảm lượng nước tưới. Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế độ bốc hơi, chống xói mòn và giữ nước mặt.
 
 

Hải Đăng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn