Từ ngày 11-16/8, tại nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện tình trạng mưa lớn kéo dài, kết hợp lũ quét, gây thiệt hại nặng nề.
Sạt lở nghiêm trọng
Ông Đặng Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 7h sáng ngày 16/8, mực nước thượng nguồn tại các con sông lên nhanh và duy trì ở mức cao. Tại sông Mã, mực nước đỉnh lũ tại trạm thủy văn Hồi Xuân đo được là 60,47m (18h ngày 14/8), trên báo động I là 0,59m; tại trạm thủy văn Cẩm Thủy là 18,6m, cao hơn báo động I là 1,1m…
Qua báo cáo thống kê sơ bộ của các địa phương, mưa lũ đã làm ngập lụt nhiều khu vực dân cư sinh sống ven sông Mã; gần 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập, hư hỏng; hàng chục điểm trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, bồi lấp. Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có hàng trăm diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, hư hỏng (111 ha lúa; 47,5 ha mía; 122,8 ha ngô…).
Trong ngày 15/8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 đoàn công tác gồm Sở NN-PTNT, Sở GTVT và TNMT đi thực tế tại các huyện miền núi bị thiệt hại lớn do mưa lũ như Mường Lát, Bá Thước và Ngọc Lặc. Lãnh đạo tỉnh, các ngành và chính quyền địa phương đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị chết số tiền 8 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ các hộ có nhà bị sập đổ, cuốn trôi với tổng kinh phí khoảng 130 triệu đồng.
|
Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều điểm |
Ngành GTVT và UBND các huyện cũng đang gấp rút tiến hành huy động lực lượng, phương tiện nhằm khắc phục ngay các điểm sạt lở, bồi lấp trên các tuyến đường QL (217, 16, 15, 15C, 47), tỉnh lộ (521C, 521B). Hiện vẫn còn 3 điểm trên QL 15C thuộc huyện Mường Lát chưa thể thông xe.
Mất trắng gần 1.000 lồng cá
Trong đợt mưa lũ vừa qua các hộ nuôi cá lồng trên khu vực sông Mã bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo ghi nhận của PV, mưa lớn từ thượng nguồn đổ về, kéo theo bùn đất đã làm thay đổi nghiêm trọng môi trường nước, hệ quả là gần 1.000 lồng cá của bà con bị mất sạch trong nháy mắt.
Trưa 14/8, nhiều hộ dân sinh sống tại hai xã Thiết Ống và Lâm Xa (Bá Thước) phát hiện cá nuôi trong lồng có dấu hiệu lạ, nhiều con thoi thóp và chết dần. Thấy thế, các hộ nuôi hốt hoảng tìm cách xử lý bằng cách di chuyển lồng vào vùng nước an toàn, bơm thêm ô-xy cho cá thở, thế nhưng tất cả mọi phương án đều bất thành.
|
Bùn đất theo nước lũ tràn về có thể là nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt |
Ngoài Thiết Ống và Lâm Xa thì 7 xã khác trên địa bàn là Ái Thượng, Hạ Trung, Tân Lập, Lương Ngoại, Lương Trung, Ban Công và Điền Lư cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Báo cáo của UBND huyện Bá Thước cho biết, có 646 lồng cá với tổng trọng lượng khoảng 6 tấn rưỡi bị mất trắng hoàn toàn, ngoài ra còn có 2,111 ha ao cá nuôi khác cũng bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại nuôi trồng thủy hải sản trên 7,2 tỷ đồng.
Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.000 lồng cá của các hộ dân thuộc các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Vĩnh Lộc và Quan Hóa bị thiệt hại với số lượng hơn 60 tấn. Bước đầu, chính quyền địa phương nhận định, nguyên nhân dẫn đến việc cá chết là ngạt ô xy do môi trường nước bị thay đổi đột ngột.