|
Triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả là một trong những biện pháp hiệu quả han chế biến đổi khí hậu |
Các địa phương tại khu vực ĐBSCL đã triển khai đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong đó, điển hình là mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn được triển khai và mở rộng diện tích tại các địa phương. Mô hình này đang phát huy được hiệu quả thiết thực khi giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông dân tại khu vực ĐBSCL cho biết, tham gia cánh đồng lớn giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ không còn phù hợp dần được thay bằng những ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới. Đó là thay đổi giống lúa mới chất lượng cao, ứng dụng giảm mật độ gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng, sạ thưa; cân đối sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc được khuyến cáo. Qua đó, liên kết sản xuất nhiều khâu hơn, ý thức bảo vệ môi trường từng bước tác động đến cộng đồng dân cư. Mặt khác còn khai thác phụ phẩm rơm rạ để sản xuất nấm tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên vụ sau luôn cao hơn vụ trước.
Theo dự kiến, đến năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trên 200 nghìn héc ta. Những năm qua, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra nhiều khuyến cáo nông dân tăng sản lượng nhưng thân thiện môi trường. Để giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Viện Môi trường Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng. Trong đó, ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế) hay “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống xác nhận; 5 giảm gồm: nước, thất thoát sau thu hoạch và 3 giảm của “3 giảm, 3 tăng”)… , từ đó góp phần giảm phát thải ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, biện pháp hiệu quả là giảm phân đạm vô cơ và tưới tiêu nước hợp lý. Giảm lượng nước tưới ở giai đoạn không cần thiết không chỉ giảm được khí mêtan mà còn tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp canh tác ngập khô xen kẽ có thể mang lại hiệu quả trong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 20% đến 30% so với tưới ngập liên tục trong suốt vụ. Giống lúa ngắn ngày bao nhiêu thì giảm bấy nhiêu ngày phát thải khí. Do đó, các nhà khoa học khuyến khích sử dụng giống ngắn ngày. Ngoài ra, nông dân lưu ý thu gom tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ, sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến.
Để hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu và đưa ra một số loại giống lúa có khả năng thích nghi với những biến đổi thất thường của khí hậu. Các giống lúa này áp dụng ở một số địa phương, đạt hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế mỗi đơn vị canh tác, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ngoài ra, các địa phương trong vùng thực hiện nhiều dự án nghiên cứu cùng các viện, trường nhằm giảm thiểu tốt nhất tác động của sản xuất nông nghiệp đến biến đổi khí hậu.
Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công bố các giống ngô, lạc, dưa hấu, cỏ… cho năng suất cao, tạo điều kiện cho nông dân chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thuận lợi. Đồng thời triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp…
Bên cạnh đó, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đem lại giá trị sản lượng gấp nhiều lần so với phương thức canh tác khác. Đồng thời, các địa phương cũng giảm dần diện tích lúa hè – thu, chuyển đổi sang trồng các cây rau màu ít sử dụng nước tưới, có khả năng chịu hạn. Vào mùa nước lũ, thay thế cây lúa bằng các loại cây sử dụng nhiều nước, chịu ngập úng, như: sen, ấu… hoặc kết hợp nuôi trồng thủy, hải sản. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường.
Các địa phương còn triển khai thực hiện các mô hình trồng rau an toàn, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước. Bên cạnh đó, nhiều địa phương quy hoạch, chuyển đổi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình này vừa cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa thân thiện với môi trường….
Biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, về lâu dài sẽ gây ra hậu quả không lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, để nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cần có chiến lược dài hạn, kỹ thuật thông minh và đảm bảo thủy lợi. Hàng năm, ngành nông nghiệp thực hiện nhiều công trình thủy lợi đảm bảo hạ tầng đê bao phục vụ sản xuất, như: Nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao, cống ngăn mặn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn.