Giải pháp giảm thiểu tình trạng sa mạc hóa do biến đổi khí hậu
17:12 - 27/06/2016
(MTNT) - Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Trong 2 thập niên qua, ước tính mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên, đơn cử, cơn bão Xangsane năm 2006 đã thiệt hại tới 1,2 tỉ USD ở 15 tỉnh khu vực miền Trung.Ngoài ra, mặc dù chưa phải là quốc gia phát thải lượng lớn khí nhà kính, nhưng lượng khí nhà kính của Việt Nam đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Tình trạng sa mạc hóa do biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra trầm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu long

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đợt hán hán kỷ lục vừa qua đã khiến hơn 45 nghìn ha diện tích lúá, hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng. Hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến hơn 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, 1,75 triệu người mất sinh kế, hàng trăm nghìn người có nguy cơ mắc dịch bệnh.


Hiện Việt Nam có khoảng 7,6 triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa. Miền Trung cũng có khu vực đất đai bị thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang địa cằn cỗi. Sa mạc hóa ở Việt Nam tập trung vào bốn khu vực: Tây Bắc, duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên và tứ giác Long Xuyên. Trong đó Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng khô hạn nhất.


Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, thì từ nhiều năm qua, con người cũng góp phần làm thoái hóa đất. Có nơi người nông dân đã trốc đi 30-40 cm lớp đất trên để lấy đất sét dùng làm gạch ngói sinh lợi. Hơn nữa người dân nghĩ là khi hạ mặt ruộng xuống thấp hơn thì dễ dẫn nước vào ruộng. Nhưng hậu quả thì tai hại, chất đất bị suy kiệt nên năng suất mùa màng kém nhiều, giảm đến 40%. Có thể phải 6 năm sau mới phục hồi được.


Tình trạng phá rừng và hủy diệt lớp phủ thực vật do các hoạt động của con người gây ra làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp, độ che phủ thảm thực vật thấp, là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng nước ngầm trong mùa khô, gia tăng cường độ cũng như tần suất lũ quét, lũ lụt trong mùa mưa, làm cho sự xói mòn và thoái hóa đất diễn ra nghiêm trọng, gia tăng diện tích đất trống đồi núi trọc.


Những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến quá trình thoái hoá đất và hoang mạc hoá trên phạm vi toàn quốc, nhất là bốn khu vực ưu tiên chống sa mạc hoá của Việt Nam, và sẽ còn tác động xấu trong nhiều năm tới.


Theo đó, các yếu tố nguy cơ gây nên hoang mạc hóa, thoái hóa đất sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nếu không kịp thời có biện pháp bảo vệ.  Để ứng phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp, từ chính sách đến khâu thực hiện.


Với ĐBSCL, ngoài các giải pháp chung về ứng phó biến đổi khí hậu, cần xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững KT-XH; tăng cường sự tham gia của người dân vào việc hoạch định chính sách và phát huy tri thức bản địa để người dân chủ động hạn chế tác hại của lũ đồng thời khai thác các lợi ích do lũ mang lại một cách phù hợp.


Khẩn trương nghiên cứu đưa nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong các nội dung của Nghị quyết phát triển KT-XH hằng năm và 5 năm; lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh liên quan; đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phân bổ hợp lý các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu.


Đối với Chính phủ, cơ quan giám sát cần rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng đồng bộ với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, phải coi nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cơ quan, tổ chức của nhà nước đến các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp, đến từng người dân.


Chính phủ cần tích cực chỉ đạo UBND các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL ngay từ năm 2015 cần nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm đã có hiệu quả thiết thực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đi liền với đó, rà soát, triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL; triển khai quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường có hiệu quả trên lưu vực sông Tiền và sông Hậu; có phương án, kế hoạch và tập huấn cho người dân công tác phòng, chống các dịch bệnh có thể phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu.
 
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn