Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp
17:14 - 24/05/2016
(MTNT)- Nước biển dâng, thời tiết cực đoan rét kỷ lục, hạn hán khốc liệt… đó là biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu. Trận rét kỷ lục cuối năm ngoái xẩy ra tại nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung, hạn hán khốc liệt kéo dài ở các tỉnh Trung Bộ, nước triều dâng cao ở các tỉnh Nam bộ… đó là sự cực đoan của khí hậu, đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đặt ra nhiều thách thức với nông nghiệp nước ta... 
Các hộ nông dân nhỏ lẻ ở vùng khô hạn và bán khô hạn sẽ phải thích ứng với biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

 
Vụ Đông Xuân 2015 - 2016 tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục được ghi nhận là một vụ Đông Xuân ấm, song lại chịu tác động khắc nghiệt hơn khi xuất hiện đợt rét đậm, rét hại lịch sử gần 40 năm. Điều này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc với gần 50.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại mà còn làm chậm tiến độ gieo cấy lúa Xuân ở nhiều địa phương. Theo đó, khung thời vụ tốt nhất là trong tháng 2/2016 nhưng nhiều địa phương do mạ bị chết rét, lại thiếu nước nên phải kéo dài vụ cấy tới đầu tháng 3. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Thời tiết như vụ Xuân năm nay là cực đoan mà không đài nào đưa ra được dự báo dài hạn”.
 
 
Tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), biến đổi khí hậu với sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, rét… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất ngành nông nghiệp thành phố trong những năm qua. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, trong tháng 3/2015, mưa lớn bất thường đã gây ngập úng cho gần 300ha đất lúa, gần 150ha hoa màu, dẫn đến năng suất lúa giảm mạnh so với những năm trước.
 
 
Sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm trong không khí qua từng năm cũng chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện nhiều trường hợp sâu bệnh trên cây trồng. Trong khi đó, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng bị tác động bởi biến đổi khí hậu nên giá trị sản xuất giảm dần qua từng năm. Năm 2010, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 41,1 tỷ đồng. Đến năm 2015, con số này chỉ đạt 33,5 tỷ đồng. Kèm theo đó là tình hình dịch bệnh gia tăng như dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm… gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi thành phố. Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, nhiệt độ tăng làm nhiệt độ môi trường nước vượt quá ngưỡng sinh thái của các loài vật nuôi. Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh dịch bệnh. Nuôi tôm nước lợ những năm gầy đây thường xuyên bị các bệnh như hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng… Diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã giảm dần qua từng năm. Trong khi đó, các mô hình nuôi cá nước ngọt cũng chưa thực sự hiệu quả. Ông Đinh Hữu Trung - Phó phòng Tài nguyên - môi trường TP.Tam Kỳ nhận định: “Các xã vùng đông Tam Kỳ có diện tích sản xuất nông nghiệp nhiều nhất của thành phố nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu. Vùng này trũng thấp, sát sông nên dễ bị nhiễm mặn, lũ lụt và gần biển nên hứng chịu gió bão cũng nặng hơn”.
 
 
Tại Đồng Tháp, hiện tượng El Nino kéo dài từ cuối năm 2014 đến cuối năm 2015 làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa đã gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Mực nước tại khu vực đầu nguồn sông Tiền và tỉnh Đồng Tháp ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua.
 
 
Thời tiết khô hạn và mực nước trên sông, kênh rạch xuống thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp làm năng suất và chất lượng cây trồng vật nuôi giảm, chi phí sản xuất tăng cao; gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân; làm xuất hiện nhiều dịch bệnh cho con người, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, bệnh ngoài da v.v..
 
 
Mực nước đỉnh lũ năm nay ở khu vực các huyện, thị xã phía Bắc và vùng Đồng Tháp Mười thấp hơn mức báo động I từ 0,11- 1,6m. Lũ nhỏ nhất trong vòng 50 năm qua đã làm nguồn lợi thủy sản, phù sa bồi đắp cho đồng ruộng và lợi dụng lũ để tháo chua rửa phèn, làm sạch nguồn nước bị hạn chế.
 
 
Tại Quảng Ninh, biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Mưa lớn, nắng nóng, rét hại... diễn ra nhiều hơn. Riêng số lượng các đợt nắng nóng kéo dài bất thường đã tăng trong 10 năm vừa qua. Biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều.
 
 
Thời điểm đầu tháng 3 những năm trước, vải chín sớm ở xã Bình Khê, TX Đông Triều đang trong giai đoạn đậu quả. Tuy nhiên, năm nay hầu hết diện tích vải chín sớm của xã gần như không có hoa, cây nào có thì hoa cũng rất ít. Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Khê, cho biết: Xã Bình Khê hiện có trên 300ha vải thiều, trong đó khoảng 60ha vải chín sớm. Hàng năm, sản lượng vải chín sớm của xã luôn đạt khoảng 200 tấn, lại bán luôn được giá, doanh thu đạt từ 4,5-5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vải chín sớm năm nay nhiều khả năng giảm mạnh về năng suất và sản lượng do thời tiết không thuận lợi. Đúng thời điểm vải ra hoa thì gặp đợt rét đậm, rét hại, khiến hoa không đậu quả được.
 
 
Không chỉ nông dân Bình Khê, hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng chịu thiệt hại nặng nề do đợt rét hại kéo dài vừa qua. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, đợt rét đậm, rét hại tháng 1-2016, không khí lạnh rất mạnh ảnh hưởng lớn đến thời tiết tỉnh Quảng Ninh, nhiệt độ trung bình dưới 8 độ C. Đặc biệt, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng tuyết rơi phủ kín như trên 2 ngọn núi Cao Xiêm, xã Lục Hồn và Cao Ly, xã Húc Động (Bình Liêu); đỉnh chùa Đồng Yên Tử (TP Uông Bí). Đợt rét đậm, rét hại kỉ lục này đã tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Toàn tỉnh đã có 1.600 con gia súc, 4.154 con gia cầm bị chết, ảnh hưởng đến 487 hộ dân, ước tính thiệt hại 12 tỷ đồng; về thuỷ sản có 313 tấn cá bị chết, ước tính thiệt hại 27,7 tỷ đồng. Về cây trồng, đợt rét hại cũng đã làm 183ha lúa mới cấy, 2,6ha mạ, 40ha gieo sạ và hàng chục ha hoa màu bị ảnh hưởng.
 
 
Trước đó chưa lâu, đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7-2015 với lượng mưa tập trung có ngày lên tới 800mm trên địa tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn về người và của. Trong đó, riêng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã lên tới 310,17 tỷ đồng với trên 4.800ha lúa, hoa màu bị ngập và hư hại; gần 1.500ha đầm nuôi trồng thuỷ sản bị ngập, hư hỏng trên 2.200 lồng bè; làm chết trên 8.800 con gia súc, gia cầm...
 
 
Tại các tỉnh phía Nam, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài dai dẳng đang trở thành nỗi lo thường trực của hàng vạn hộ nông dân. Hiện nguồn nước ở hạ lưu các con sông ở ĐBSCL ngày càng ít hơn do ảnh hưởng của của biến đổi khí hậu cũng như những tác động của con người qua việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong. Điều này khiến các tỉnh ĐBSCL luôn ở trong tình trạng xâm nhập mặn cao và ngày càng sâu hơn vào đất liền. Hậu quả, nguồn nước sẽ không đủ để cung cấp cho ruộng lúa trong suốt quá trình canh tác.
 
 
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư cho thấy, trong tháng 2/2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến gần 26.000ha đất canh tác lúa tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ phải dừng sản xuất. Dự báo tình trạng này còn tiếp tục kéo dài cho đến vụ Hè Thu tới đây và đáng lo ngại hơn, diện tích đất lúa bị ảnh hưởng có thể lên tới hơn 220.000ha. Riêng tại “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vụ Đông Xuân 2015 - 2016 có 104.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất và dự báo sẽ tăng lên khoảng 340.000ha trong thời gian tới.
 
 
Theo Bộ NN&PTNT, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, vụ Hè Thu năm nay, toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.
 
 
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tương đối rõ nét trong 50 năm qua và nhất là trong thời gian gần đây với tần suất xuất hiện thiên tai và thời tiết cực đoan ngày càng tăng.
 
 
Có thể thấy, tình hình thời tiết, thiên tai diễn ra ngày càng bất thường, khó lường hơn và nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Để ứng phó, Đảng đã ban hành Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hơn 300 văn bản quan trọng, trong đó có 19 văn bản của Chính phủ, hơn 60 văn bản của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế 5 năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều tồn tại như: dự báo không theo kịp thực tế biến đổi khí hậu; các chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu còn chưa kịp thời và đồng bộ; nhận thức về biến đổi khí hậu chưa tương xứng với diễn biến, mức độ tác động của biến đổi khí hậu; kinh phí bố trí cho biến đổi khí hậu còn hạn chế…
 

Vương Bửu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn