ĐBSCL: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
14:52 - 31/05/2016
(MTNT) - Những năm gần đây, các hiện tượng nhiệt độ tăng cao, ngập lụt, hạn hán, giông lốc, sạt lở bờ sông, nước biển dâng, xâm nhập mặn xuất hiện không theo chu kỳ và tác động mạnh đến đời sống người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long(ĐBSCL). Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lo lắng và cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ngày càng diễn biến phức tạp…
Ảnh minh họa

Tác động tiềm tàng nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực này là nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Theo đó, trong những năm tới, mực nước biển tại khu vực sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa.


Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên nước ĐBSCLcho thấy, theo phân tích, nguồn nước ở khu vực ĐBSCL suy giảm dẫn đến mặn xâm nhập trên diện tích khoảng 1,2-1,6 triệu ha ở vùng ven biển; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trên diện tích khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển; sự xói lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng.


Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn đối mặt với nguy cơ ngập lụt. Dự báo, dòng chảy trung bình mùa lũ tổng cộng vào ĐBSCL có thể tăng tới 40 tỷ m3 nước. Ngập lụt sẽ gia tăng tại các vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, đặc biệt vùng kẹp giữa 2 sông Tiền và sông Hậu nghiêm trọng hơn. Ngoài các thành phố,thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 0,5 m. Nước biển dâng làm cho việc tiêu, thoát nước ở các thành phố,thị xã: Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau khó khăn hơn.


Khi những kiến thức phòng chống thiên tai hàng nghìn năm qua vẫn chưa đủ để khu vực ĐBSCL thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, các chuyên gia đã và đang tích cực nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này. Dưới đây là những phương án mà các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu trong thời gian gần đây.


Nguồn nước thiếu hụt trong thời kỳ khô hạn sẽ dẫn đến gia tăng khoảng cách xâm nhập mặn. Do vậy cần phải quy hoạch và từng bước xây dựng các tuyến đê biển dọc bờ biển Đông và biển Tây nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của nước biển trong điều kiện nước biển dâng cao. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp ngăn mặn xâm nhập sâu vào trong mùa cạn, trong đó có biện pháp xây dựng các cống ngăn mặn ở những nơi được chứng tỏ là có hiệu quả.


Vùng ĐBSCL đang có tốc độ đô thị hóa nhanh với các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông mọc lên từng ngày. Rút kinh nghiệm về bài học bê tông hóa, ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn, hiệu ứng nhà kính... từ các mô hình phát triển đô thị trong nước và quốc tế, ĐBSCL sẽ chú trọng đảm bảo không gian xanh trong kết cấu bố trí đô thị của thành phố, nhằm giữ được môi trường sống trong lành.


Quy hoạch đô thị vùng trong chiến lược phát triển đến năm 2050 phải đảm bảo đảm bảo các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng với mô hình hệ thống đô thị phù hợp, cân bằng hệ Địa - Kinh tế - Sinh thái trong cấu trúc đô thị, tôn trọng “cấu trúc đô thị nước,” thiết kế “dành chỗ cho nước,” lồng ghép giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị với giải pháp quản lý thủy lợi, tiêu thoát.


Theo đó, Vùng thượng lưu (Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười) có vai trò giữ lũ và chuyển lũ. Chính vì thế, các đô thị cần thiết kế thoáng với những hồ chứa nước nhân tạo, kết nối với các kênh chuyển nước để đảm bảo sự lưu thông dòng nước ổn định. Đối với các đô thị trung tâm vùng như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc... ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt còn phải đối mặt với ngập úng do triều cường, do nước chảy về từ vùng thượng lưu trong mùa nước nổi.


Cần bố trí hợp lý các hồ nhân tạo vừa làm không gian trữ nước tạm thời vừa tạo cảnh quan mát dịu cho thành phố. Bên cạnh đó, các đô thị này còn cần chủ động trong công tác kiểm soát ngập lụt bằng hệ thống đê bao, cống xả lũ. Trong tương lai, các hồ chứa nước nhân tạo này không chỉ giữ nhiệm vụ trữ nước vào mùa mưa, xả nước vào mùa khô mà còn được xử lý chất lượng nước để tái sử dụng làm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì thế, ngay từ ban đầu cần có sơ đồ bố trí vị trí xây dựng, công suất các hồ chứa theo mật độ phù hợp để sử dụng trong chiến lược lâu dài.


Các hệ thống giữ và xả nước cần được bố trí rải đều và kết nối với nhau, cũng như kết nối với hệ thống sông ngòi. Các hệ thống này cũng cần được kết hợp với cảnh quan tự nhiên như vườn cây ăn trái, rừng phòng hộ... để tạo ra các không gian công cộng mở như công viên nội ô, khu vui chơi ven ô, giúp điều phối nguồn nước cũng như tạo các mảng “lá phổi xanh” cho địa phương...
 
Anh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn