(MTNT) – Những năm gần đây, tình hình cháy rừng trên địa bàn cả nước đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, nhưng chủ yếu vẫn là do con người gây ra. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 70% số vụ cháy rừng là do đốt nương làm rẫy. Mức độ cháy rừng những tháng đầu năm nay xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp hơn các năm trước đây.
|
Các địa phương chủ động phòng chống cháy rừng mùa nắng nóng |
Đặc biệt, tại khu vực Miền Trung- Tây Nguyên tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Các tỉnh thuộc khu vực này đã triển khai các công tác phòng chống cháy rừng từ sớm để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp và dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt; mùa khô kéo dài; lượng mưa giảm so với trung bình nhiều năm tại nhiều địa phương khu vực miền Trung vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo cơ quan chức năng, Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động thực hiện các Quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đến nay, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trong mùa khô. Bên cạnh việc củng cố, kiện toàn 131 ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng các cấp (trong đó có 12 ban chỉ đạo cấp huyện, 119 ban chỉ đạo cấp xã) và thành lập 623 tổ, đội phòng chống cháy rừng cơ sở, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng chống cháy rừng, tổ chức tuyên truyền lưu động, 29 đợt tuyên truyền trực tiếp với chủ rừng, 158 đợt tuyên truyền bằng hình thức họp dân cho 8.387 lượt người về pháp luật bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi đã ký cam kết bảo vệ rừng với 299 hộ gia đình, chủ rừng và các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Kiểm tra, sửa chữa thiết bị, dụng cụ chữa cháy và bố trí nhân lực trực theo quy định sẵn sàng ứng cứu tại các địa phương và chủ rừng khi có cháy xảy ra.
Tỉnh Bình Định có gần 311.000 ha rừng, theo thống kê của ngành kiểm lâm, trong vài năm gần đây, nạn cháy rừng trên địa bàn tỉnh xảy ra ngày càng nghiêm trọng, số vụ cháy rừng tăng theo từng năm. Trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra 57 vụ cháy rừng làm thiệt hại gần 415 ha rừng.
Từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện nhiều đám cháy nhỏ. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, nguy cơ xảy ra những vụ cháy rừng là rất lớn. Tại Khánh Hòa, các khu vực Khánh Sơn, Cam Ranh hiện có nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm; khu vực Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh có nguy cơ cháy rừng lớn, nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa và tốc độ lan ngày càng tràn rất nhanh.
Các diện tích rừng này phần lớn tập trung ở vùng đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều diện tích có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, dễ bắt lửa, ngoài ra trong thời gian người dân đốt nương rẫy để sản xuất vụ hè thu, vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao. Hiện nay, các xã, thị trấn cũng như các chủ rừng đã thành lập ban chỉ huy phòng, chống cháy rừng tại địa phương cũng như các tổ, đội tại các thôn, bên cạnh đó các xã đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ cho công tác phòng chống cháy rừng.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, các tỉnh, thành cần tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Nắm bắt thông tin và xử lý kịp thời các đám cháy phát sinh ngay từ ban đầu, không để bùng phát thành các đám cháy lớn.
Theo đó, UBND các cấp thực hiện quyết liệt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường các giải pháp phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Trong đó chú trọng vào một số nội dung như: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao về phát rừng, khai thác, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm. Triển khai thực hiện quyết liệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch; quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hanh vi dùng lửa khác; có phương án kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng tại những khu vực rừng trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng.
Chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng.Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn chủ rừng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trước tình hình diễn biến của thời tiết như hiện nay việc ngăn ngừa và phòng chống cháy rừng đang là một thách thức rất lớn đối với cả xã hội. Trong đó người đứng đầu chính quyền các địa phương có rừng phải chịu trách nhiệm lớn hơn. UBND các tỉnh, thành cần có biện pháp chỉ đạo việc giao khoán đất rừng và rừng cho người dân ở các địa phương tại đó để họ vừa trồng rừng, vừa bảo vệ rừng.
Đặc biệt có một số địa phương đang giao cho UBND xã quản lý rừng, nhất là vùng có rừng thông càng dễ bị cháy thì chính quyền các xã càng không thể quản lý phòng chống cháy rừng tốt hơn người dân. Vì vậy cần chuyển sang giao khoán cho người dân chăm sóc rừng, bảo vệ rừng là tốt nhất. Về giải pháp lâm sinh, cần tiến hành xây dựng các đường băng cản lửa để đề phòng khi rừng bị cháy. Mỗi đường băng cản lửa, chiều dài tùy theo cánh rừng lớn, nhỏ, chiều rộng đường băng chính tốt nhất từ 30- 40m để cản lửa tương đối an toàn khi cháy rừng gặp gió to.
Về giải pháp kỹ thuật, nên trồng rừng hỗn giao giữa cây dễ bị cháy với cây ít rụng lá như trồng thông xen với trồng cây bản địa. Các chủ rừng cần tiến hành tỉa thưa những nơi mật độ cây rừng quá dày để hạn chế khả năng cháy rừng lan tỏa nhanh.
Các Công ty lâm nông nghiệp, các lâm trường cần tiến hành xây dựng nhiều chòi gác, trạm gác bảo vệ rừng suốt ngày đêm, nhất là trong thời điểm hiện nay khả năng xẩy ra cháy rừng rất lớn do nắng nóng và hạn hán kéo dài. Riêng những khu rừng đặc dụng phải có biện pháp quản lý thật chặt chẽ người vào rừng. Tốt nhất ngăn chặn người đi vào rừng, nếu không có lý do chính đáng, nhất là những tháng nắng nóng.
UBND tỉnh và cơ quan chủ quản đầu ngành cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người đứng đầu chính quyền các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn phải làm tốt công tác bảo vệ rừng, không để xẩy ra cháy rừng. Nếu ở đâu để xẩy ra cháy rừng thì người đứng đầu chính quyền ở địa phương đó hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.
Bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng là trách nhiệm của cả xã hội. Trong đó vai trò của ngành công an cực kỳ quan trọng trong việc cùng với chính quyền các địa phương có nhiệm vụ điều tra, truy tìm các đối tượng cố ý gây ra cháy rừng để truy tố trước pháp luật thật kịp thời và nghiêm minh nhằm răn đe những người coi thường pháp luật.