Chuyển 4700 ha lúa sang cây trồng khác
14:28 - 22/04/2016
Để ứng phó với tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ chuyển 3.500ha lúa hè thu sang lúa mùa và trên 4.700ha lúa sang cây trồng khác.
Nghệ An đối mặt với nguy cơ hạn hán lịch sử


Vụ hè thu - mùa 2016 tại Nghệ An diễn ra trong điều kiện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. 
 

Khó khăn

Theo kế hoạch, năm 2016 Nghệ An phấn đấu đạt gần 1,2 triệu tấn lương thực, trong đó vụ hè thu - mùa trên 460 nghìn tấn. Tuy nhiên, sản xuất vụ hè thu - mùa năm nay đang đứng trước nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp địa phương phải dự kiến nhiều phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, sử dụng các giống ngắn ngày và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, do ảnh hưởng của hiện tượng EL Nino kéo dài, lượng mưa thấp, lượng nước trên các sông suối, hồ đập suy giảm nhanh, nguồn nước đầu vụ bị thiếu hụt. Tổng lượng mưa năm 2015 là 1.277mm/TBNN 1.700mm; lượng mưa mùa lũ chỉ đạt 850mm/TBNN 1.300mm.
 

Trong số các hồ do doanh nghiệp quản lý có 37 hồ dung tích nhỏ hơn 50% so với thiết kế; 11 hồ đạt 50 - 70% dung tích thiết kế; 11 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế; 1 hồ đạt 100% dung tích thiết kế. Các hồ do địa phương quản lý hiện nay chỉ đạt từ 30 - 60% dung tích thiết kế.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng mưa trong khu vực có khả năng phổ biến thiếu hụt từ 30 - 40% so với TBNN. Từ nay đến cuối tháng 5/2016, dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung bộ có khả năng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 40 - 60%. Vì vậy, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xẩy ra sớm, trên diện rộng.
 

Rét đậm, rét hại đầu vụ cũng khiến việc thu hoạch và kết thúc vụ xuân chậm hơn các năm từ 7 - 10 ngày. Những diện tích bị thiệt hại do rét phải gieo cấy lại có thể thu hoạch chậm 20 - 25 ngày. Điều nay gây ra khó khăn trong bố trí sản xuất vụ hè thu, nhất là trà chạy lụt. Các đối tượng chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá… sẽ phát sinh, phát triển mạnh và diễn biến phức tạp, gây hại nặng kéo dài trong suốt cả vụ.

Tại nhiều địa phương, ngay từ thời điểm này, lượng nước dưỡng cho cây trồng đã bắt đầu khan hiếm. Dự đoán, thời kỳ lúa trỗ, nếu trời không mưa, nhiều diện tích, đặc biệt là ở các vùng cao cưỡng, cồn vệ có nguy cơ thiếu nước trầm trọng…
 

Không trồng lúa bằng mọi giá

Theo đề án sản xuất vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ gieo trồng 94.000ha lúa, trong đó có 15.000ha lúa chất lượng cao và 20.000ha lúa lai. Điểm mới trong cơ cấu sản xuất vụ hè thu - mùa năm nay, cây trồng nhu cầu nước tưới lớn được điều chỉnh giảm diện tích và tăng diện tích cây rau màu, cây trồng chịu hạn. Diện tích lúa giảm gần 1.000ha, ngô tăng từ 16.000ha lên 18.000ha; lạc tăng từ 1.100ha lên 1.200ha; vừng tăng từ 3.700ha lên 4.000ha…

4092826755

Đầu mùa nắng nhưng mực nước tại nhiều hồ đập đã xuống thấp

"UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ; phối hợp với ngành nông nghiệp trong công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất, cuộc sống, ưu tiên sử dụng điện cho chống hạn. Để khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh giao sở Tài chính, Sở NN-PTNT tham mưu việc hỗ trợ mua giống, mua máy bơm dầu phục vụ chống hạn giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất với mức hỗ trợ từ 30 - 60%”, ông Đinh Viết Hồng.

Để đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Sở NN-PTNT Nghệ An đề nghị các địa phương chỉ đưa vào các giống lúa đã được công nhận chính thức và đã qua khảo nghiệm có kết quả tốt tại Nghệ An; tiếp tục sử dụng các giống có năng suất cao, ổn định, mở rộng các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày. Sản xuất vụ mùa sẽ thực hiện theo phương châm càng sớm càng tốt.
 

Đối với diện tích nguy cơ ngập lụt khoảng 20.000 ha, các địa phương cơ cấu một số giống dưới 100 ngày như P6 đột biến, Khang dân cải tiến, PC6, Việt lai 20... để đảm bảo thu hoạch trước 30/8.

Vùng đất vàn là vùng hè thu thâm canh, cần thu hoạch trước 10/9 phải bố trí một số giống có năng suất cao, thời gian sinh trưởng kéo dài nhưng dưới 110 ngày như Vật tư NA2, hương thơm số 1, SL9, nếp 352, kinh sở ưu 1588, PHB71…
 

Những vùng chủ động nước có thể thu hoạch sau 15/9 sử dụng một số giống có năng suất, chất lượng cao, dài ngày như Thiên ưu 8, BC 15, BT7, DT 52, nếp 87, nhị ưu 986, Thái xuyên 111….

Các địa phương sẽ chỉ chọn tối đa 3 giống lúa lai, 3 giống lúa thuần; mỗi xã chọn tối đa 2 - 3 giống; trên 1 xứ đồng chỉ nên gieo trồng 1 - 2 giống có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh.
 

Ông Nguyễn Văn Lập, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: “Theo khảo sát ban đầu của các địa phương, vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An sẽ phải chuyển 3.500 ha lúa hè thu sang lúa mùa và 4.738 ha lúa sang cây trồng khác và nhất quyết không trồng lúa bằng mọi giá.

Để chuyển đổi đạt hiệu quả và khuyến khích bà con nông dân thì tỉnh và các huyện cần phải có chính sách hỗ trợ tiền giống. Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Công thương tăng cường quản lý phân bón, điều tiết nước thủy điện, điện để vận hành các trạm bơm chống hạn…”.
 

Phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án tổ chức sản xuất và phương án phòng chống hạn vụ hè thu - mùa 2016, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo, để chống hạn, ngành nông nghiệp cần chủ động, linh hoạt trong công tác điều tiết nước, quyết liệt chống hạn và xâm nhập mặn, tu sửa, nạo vét kênh mương.

Tình hình dịch bệnh, sâu hại diễn biến khó lường vì vậy các địa phương không được chủ quan lơ là. Vụ hè thu - mùa dự đoán nhiều khó khăn, cần phải đẩy nhanh việc đưa vào một số giống lúa ngắn ngày, năng suất chất lượng cao; chịu hạn phù hợp với từng địa phương.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn