Khác với cảnh cây trái sum suê, trĩu quả của những năm trước đây, những ngày này, ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) – nơi được mệnh danh là “vương quốc” cây trái, hoa kiểng, cây giống miền Tây – những vườn cây trở nên tàn lụi do mặn xâm nhập bất ngờ, người dân trở tay không kịp.
Cây đỏ lá và chết dần
Ngày 27.3, trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Thành cho biết: Gia đình tôi có khoảng 30.000 cây mít và 40.000 cây chôm chôm giống bị chết dần do nước mặn, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. “Do không nghĩ là nước mặn đến nên vài tháng qua, gia đình tôi đã vô tình lấy nước mặn dưới sông tưới lên cây giống. Vì thế, hàng chục nghìn cây giống này bị khô, rụng lá rồi chết dần. Ngoài cây giống, những chậu hoa trong vườn cũng lụi tàn theo” – ông Hùng kể.
|
Vườn mai bị thiệt hại của ông Nguyễn Văn Mến, ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thành. Ảnh: Huỳnh Xây |
Đến nay Chợ Lách đã có 6.000ha đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, trong đó nhiễm mặn nặng từ 1,5-2,5‰ là 3.000ha. Hiện toàn huyện Chợ Lách đã có trên 109.000 cây giống thành phẩm, gốc ghép sầu riêng, xoài, cây có múi, hoa kiểng… chết rụi và hơn 150.000 cây giống bị cháy lá, giảm khả năng sinh trưởng...
|
Cạnh vườn cây giống của ông Hùng cũng có khoảng 20.000 cây chôm chôm, bơ và sầu riêng đang bị ảnh hưởng nặng do nước mặn gây ra. Ông Mai Tấn Thọ - chủ nhân vườn cây giống trên cho biết, có khoảng 60% cây giống trong vườn đã bị thiệt hại nặng. Ngoài những cây chết hẳn, những cây bị cháy lá, chậm lớn cũng rất khó phục hồi.
Anh Nguyễn Minh Duy - chủ cơ sở cây kiểng Minh Duy, xã Vĩnh Thành than: “Cơ sở tôi có khoảng 2.000 cây kiểng, trong đó có 1/3 là cây linh sam. Do loại cây này chịu mặn kém nên phần lớn đã đỏ lá và nhiều cây đã có biểu hiện chết dần. Mặc dù tôi cố gắng tìm mọi cách để cứu vãn nhưng đều vô vọng. Đợt mặn đột ngột này đã làm cơ sở tôi thiệt hại nặng, mỗi cây linh sam có giá từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Quyền ngụ cùng ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thành có 1.000 gốc mai nhưng đã có khoảng 90% gốc bị ảnh hưởng bởi nước mặn, trong đó có nhiều gốc mai nhỏ đã chết khô nhiều ngày qua.
Cử cán bộ cùng dân đo độ mặn
Trước tình hình mặn xâm nhập sâu và có khả năng còn kéo dài, vài ngày qua, để hỗ trợ người dân trong việc đo độ mặn, ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách đã tổ chức 3 điểm đo độ mặn (làm việc cả thứ 7, Chủ nhật). Cụ thể là Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách; cầu Hòa Khánh (xã Hưng Khánh Trung B) và ấp An Thạnh (xã Long Thới).
Hiện mỗi ngày, tại 3 điểm đo độ mặn trên, tổng cộng có hơn 100 lượt người đem mẫu nước đến đo, cao điểm có ngày đến 150 lượt người. Khi đến đo độ mặn, cán bộ nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân cách ứng phó xâm nhập mặn, thời điểm lấy nước tưới phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó trưởng Trạm khuyến nông huyện Chợ Lách trực tiếp đo độ mặn cho cho người dân ở ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thành cho biết: “Trước tình trạng mặn xâm nhập sâu như hiện nay, tôi cùng nhiều cán bộ trong trạm đã chia nhau ra nhiều điểm để hỗ trợ kịp thời cho người dân”.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách thì đến nay, toàn huyện này đã có có 9/11 xã, thị trấn bị nhiễm mặn, có nơi độ mặn đo được 5,2‰.
“Do chủ quan, người dân không hay nước mặn đến nên đã sử dụng nước mặn tưới liên tục dài ngày đã dẫn đến thiệt hại đáng kể, ước tính trên 30 tỷ đồng” - ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách nói.