Trồng lạc bạc mặt vì rét hại
09:54 - 01/03/2016
Đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 vừa qua đã khiến hơn 2.000 ha lạc xuân tại huyện Diễn Châu bị ảnh hưởng, trong đó có 950 ha thiệt hại trên 70%. 
Lạc bị thối rễ


Còn tại huyện Nghi Lộc, diện tích mất trắng là 400 ha, 328 ha bị ảnh hưởng.

Mặc dù nông dân nỗ lực khắc phục nhưng giá giống tăng cao, nhiều gia đình đành bỏ mặc, cầu may trên diện tích đã trồng. Người trồng lạc ở Nghệ An đang đứng trước một năm thất bát.
 

Chủ quan

Vụ xuân 2016, lạc là cây trồng chủ lực tại xã Diễn Thịnh. Tính đến giữa tháng 1, toàn xã đã trồng trỉa được 430 ha nhưng đợt rét đậm rét hại vào dịp cuối tháng đã khiến 346,1 ha bị ảnh hưởng, trong đó có 144,5 ha gần như mất trắng.

Theo cán bộ xã Diễn Thịnh, nguyên nhân chính dẫn đến lạc bị chết do thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại. Nhưng nguyên nhân khiến cây gặp rét là do người dân chủ quan, trồng trỉa trước lịch thời vụ. Khi cây lạc vừa nhú mầm, gặp ngay đợt rét nên bị chết.
 

Theo ghi nhận của PV, trên cánh đồng lạc xã Diễn Thịnh, lác đác có vài hộ đã cày bừa trồng trỉa lại. Một số hộ đang tích cực phun kích thích, trỉa dặm. Mặc dù, lạc được trồng trỉa cách đây gần 2 tháng nhưng mới chỉ vươn lên khỏi mặt đất chừng 7 - 8 cm, cây vàng vọt, lá héo úa, còi cọc, thiếu sức sống.

Nhổ vài khóm lạc cầm trên tay, bà Nguyễn Thị Thiện, một hộ dân trồng lạc tại xóm 11b cho biết: “Thấy cả làng cùng ra đồng thì mình cũng phải ra trồng trỉa, sợ chậm lịch thời vụ. Không ngờ, lạc vừa nhú mầm thì gặp rét, chết gần hết. Cả 3 sào đều phải trỉa dặm nhưng không ăn thua, rễ đã đen hết, không có rễ trắng chắc không thể cứu vãn nổi”.
 

Ông Phạm Bá Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: “Lạc là cây trồng chính tại Diễn Thịnh. Theo lịch thời vụ, nông dân trồng trỉa vào cuối tháng 1 nhưng thực tế bà con đã xuống giống trước đó hơn 1 tuần. Chính quyền địa phương đã khuyến cáo nhưng nhiều hộ vẫn không tuân thủ. Dù vẫn phủ nilon nhưng gặp đợt rét đậm, rét hại, một số hạt không nảy mầm được; một số nhú mầm thì chết rét, thối rễ, héo úa”.

15-14-49_2

Nông dân nhổ lạc chuyển sang trồng rau màu khác

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết, huyện đã thành lập các đoàn chỉ đạo, rà soát tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả do đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1 vừa qua. Diễn Châu thiệt hại nặng về cây lạc, lúa và hoa màu. Tinh thần chỉ đạo của huyện là cố gắng khắc phục, trỉa dặm lại diện tích thiệt hại nhẹ. Với diện tích bị mất trắng, nông dân đang tích cực trồng trỉa lại, phủ nilon cẩn thận. Đến tháng 3, diện tích nào không thể khắc phục nổi sẽ phải chuyển sang trồng ngô và các loại rau màu khác...

Còn tại huyện Nghi Lộc, diện tích lạc chết chủ yếu rơi vào những hộ không phủ nilon. Ông Nguyễn Xuân Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, địa phương có hơn 400 ha lạc mất trắng và 328 ha bị ảnh hưởng, tập trung tại các xã Nghi Văn, Nghi Khánh, Nghi Thạch, Nghi Trường…
 

“Nhiều hộ chủ quan, không phủ nilon, số lạc chết chủ yếu rơi vào số diện tích này. Hiện diện tích ảnh hưởng đã được trỉa dặm, số mất trắng bà con đã cày bừa trỉa lại. Toàn huyện đã hoàn thành 2.700/3.000 ha lạc theo kế hoạch, 100% diện tích đã được phủ nilon, số còn lại sẽ được chuyển sang trồng ngô. Tuy nhiên, với tình hình này, có thể lịch thời vụ sẽ chậm trên dưới 1 tuần”, ông Quang cho biết.
 

Nhiều hộ mặc bay

Bà Nguyễn Thị Thiện, một hộ trồng lạc tại xóm 11b, xã Diễn Thịnh cho biết, gia đình trỉa 3 sào giống lạc sen, hết 30 kg lạc giống. Tại thời điểm giữa tháng 1, mỗi kg giống là 27.000 đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tìm mua trong dân 45.000 đồng/kg lạc giống nhưng vẫn không có để mua, chất lượng giống cũng không đảm bảo.
 

“2 lần trỉa dặm tôi đã mua 30 kg, phun kích thích rồi nhưng không khả quan lắm. Đầu tư tiền triệu vào mấy sào lạc nhưng vụ này coi như mất trắng. Giờ tìm giống không ra, có lẽ phải chuyển sang trồng ngô thôi!”, bà Thiện rầu rĩ.
 

Bà Đặng Thị Thoa, 72 tuổi, tại xóm 11a trồng hơn 4 sào lạc nay cũng mất trắng nhưng không thể cày bừa trỉa lại do thiếu giống. “Hơn 4 sào lạc, tôi mua hết 50 kg giống với giá 27.000 đồng/kg. Lạc bị chết gần hết, tôi mua thêm 40 kg nữa về trỉa dắm đến lần thứ 3 rồi mà vẫn không bõ bèm gì. Giờ thì vừa hết tiền, hết giống cũng không còn sức cày bừa nữa, đành bỏ mặc, được thế nào thì được”, bà Thoa than thở.
 

Bà Thoa cũng cho biết, nhiều hộ đã cày bừa nhưng chưa tìm ra giống nên đành để đất không. Theo cán bộ xã Diễn Thịnh, đối với diện tích mất trắng, nếu trong tháng 2 không thể trỉa lạc thì sẽ phải chuyển sang trồng ngô cho kịp lịch thời vụ.

Võ Văn Dũng
Nguồn: Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn