Hạn, mặn bủa vây đe dọa sản xuất và cuộc sống người dân
09:13 - 16/02/2016
Nắng nóng kéo dài kết hợp với El Nino mạnh nhất trong mấy chục năm qua đã khiến tình trạng hạn hán, nước mặn lấn sâu vào nội đồng các tỉnh ĐBSCL...
Lúa đông xuân của nông dân huyện An Biên, Kiên Giang chết khô do hạn mặn


Tại vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang tình hình thiếu nước tưới cho SX nông nghiệp diễn ra khá trầm trọng. Còn huyện Thoại Sơn vốn là vùng trọng điểm của tỉnh chuyên sản xuất lúa giống lại lo lắng vấn đề xâm nhập mặn đã lấn vào nội đồng, vì nơi đây gần biển (giáp ranh với Kiên Giang).
 

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn cho biết, hàng năm phải đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi vụ HT đã xuống giống xong thì nước mặn mới xâm nhập từ tuyến kênh Rạch Giá - Kiên Giang lấn sâu vào các kênh nội đồng.
 

Nhưng năm nay, mới sau Tết vài ngày nước mặn đã xâm nhập đến giáp ranh Kiên Giang - An Giang, độ mặn đo được khoảng 1%o. Như vậy, mặn xâm nhập sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng.
 

Hiện lúa ĐX 2015 - 2016 của huyện Thoại Sơn đang bước vào làm đòng và trổ bông, còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch rộ nên rất đáng ngại. Giải pháp trước mắt là huyện lên phương án đắp 7 đập tạm nằm ở các tuyến kênh để bảo vệ 39.086ha đất lúa, đảm bảo năng suất lúa.
 

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu,ngành nông nghiệp đã chủ động đề ra các biện pháp phòng, chống hiệu quả, cử cán bộ túc trực 24/24 để theo dõi tình hình, khuyến cáo cho nông dân có biện pháp khắc phục.

16-34-21_nh-2-nm-ny-hn-mn-den-som-gy-thiet-hi-nng-cho-sn-xut-nong-nghiep

Năm nay hạn mặn đến sớm gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp

Còn tại vùng cao Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên tình hình thiếu nước tưới cho SX nông nghiệp khá nghiêm trọng. Vì  các tuyến kênh chính giáp ranh Kiên Giang, nguy cơ xâm nhập mặn luôn rình rập.

Tuy nhiên, nhờ tỉnh chủ động xây dựng các đập tạm phòng, chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, tập trung từ huyện Tri Tôn đến Thoại Sơn nên tạm thời chưa bị nước mặn gây hại. Dù vậy, với tình hình khô hạn, mực nước kênh xuống thấp, khả năng xâm nhập mặn rất lớn.
 

So với các địa phương trong tỉnh, vùng đất Tri Tôn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khô hạn do địa hình trải dốc theo triền núi. Còn diện tích đất SX nông nghiệp nằm giáp ranh với các huyện có biển của Kiên Giang nên ảnh hưởng của xâm nhập mặn khá nặng.

Ông Mai Thanh Tuấn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn, cho biết hiện nay lúa ĐX ở huyện đã thu hoạch gần xong, kế hoạch xuống giống vụ HT đang gặp khó khăn về nước tưới cộng thêm xâm nhập mặn gay gắt từ các huyện lân cận có biển.
 

Do hạn mặn đến sớm, hiện nay mực nước một số tuyến kênh chỉ còn từ 1 - 1,5m. Về cơ bản, mực nước này vẫn đảm bảo tưới tiêu nhưng cần khẩn trương nạo vét mới phục vụ tốt vụ HT sắp tới.

16-34-21_nh-3-dbscl-bi-xm-nhp-mn-som-hon-moi-nm-khong-2-thng-viec-thieu-nuoc-cho-vu-lu-ht-sp-toi-l-dieu-khong-chnh-khoi

ĐBSCL bị xâm nhập mặn sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng

Ông Mai Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, theo thông báo của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang về diễn biến xâm nhập mặn từ các hệ thống sông, kênh vùng cửa sông tỉnh Kiên Giang, thời gian qua độ mặn có xu hướng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên.
 

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang đã tiến hành đo khảo sát di động tại một số kênh, rạch giáp ranh Kiên Giang và khu vực nội đồng thuộc tỉnh An Giang độ mặn từ 1 - 1,5%o, lấn sâu nội đồng từ 1 - 2km. Riêng khảo sát trên kênh Mẹt Lung cách cầu Mẹt Lung vào phía nội đồng khoảng 1 km là 3,1.

Tại Kiên Giang, tình hình hạn, mặn diễn ra sớm cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, hạn mặn đã làm cho trên 34.000ha lúa ĐX và vụ mùa thuộc các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận bị chết khô.
 

Trong đó, bị thiệt hiệt hại nặng nề nhất là huyện An Minh với 16.453ha của trên 8.000 hộ nông dân, tiếp đến là huyện An Biên với hơn 10.416ha của 6.250 hộ nông dân. Các huyện còn lại diện tích lúa bị thiệt hại cũng lên đến cả ngàn ha.
 

Theo nhận định, với tình hình thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn sâu tiếp tục diễn ra như hiện nay thì tổng diện tích thiệt hại sẽ còn tăng thêm. Ngoài ra, sẽ có thêm khoảng 12.500ha lúa HT của thuộc các huyện vùng U Minh Thượng và 5.000ha lúa XH ở huyện Giang Thành sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.
 

Hạn, mặn bủa vây không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Ông Đào Thanh Hóa, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT Kiên Giang cho biết, mặc dù mới là đầu mùa khô nhưng đã có 3 trạm cấp nước tập trung của đơn vị bị nhiễm mặn, gây gián đoạn việc cấp nước cho trên 3.000 hộ dân.
 

Trung tâm phải cử cán bộ canh từng con nước để giải khát cho dân, đồng thời tăng cường khai thác các giếng khoan. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chứ không thể kéo dài nếu mặn tiếp tục lấn sâu vào nội đồng.

Nếu mặn lấn sâu vào khoảng 20km trong đất liền thì hầu hết số trạm cấp nước của trung tâm phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục ngàn dân cư nông thôn.

Nguồn: Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn