Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Nhằm hạn chế sự biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế và ổn định sáu loại khí nhà kính chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6.CO2 phát thải khi đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và là nguồn khí nhà kính chủ yếu do con người gây ra trong khí quyển. CO2 cũng sinh ra từ các hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng và cán thép.
CH4 sinh ra từ các bãi rác, lên men thức ăn trong ruột động vật nhai lại, hệ thống khí, dầu tự nhiên và khai thác than. N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp.HFCs được sử dụng thay cho các chất phá hủy ôzôn (ODS) và HFC-23 là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất HCFC-22.PFCs sinh ra từ quá trình sản xuất nhôm. SF6 sử dụng trong vật liệu cách điện và trong quá trình sản xuất magiê.
Những năm qua, các nước trên thế giới đã có những nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã được 155 nước trong đó có Việt Nam ký kết tham gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất của LHQ tại Rio de Janeiro (1992). Mục tiêu của Công ước nhằm đạt được sự ổn định khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu.
Để đạt được mục tiêu này, Công ước đưa ra những biện pháp dựa trên nguyên tắc về tính công bằng; trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; khả năng tương thích cùng các điều kiện kinh tế và xã hội của các nước phát triển và đang phát triển; nhu cầu về các biện pháp phòng ngừa; sự phát triển và một hệ thống kinh tế mở. Công ước có hiệu lực ngày 21/3/1994. Cho đến tháng 12 năm 2009 Công ước đã có 192 Bên tham gia.
Nhằm tăng cường cơ sở pháp lý về trách nhiệm thực hiện UNPCCC, Hội nghị các Bên lần thứ ba của UNFCCC tại Kyoto, Nhật Bản, tháng 12 năm 1997 đã thông qua Nghị định thư Kyoto. Mục tiêu chính của Nghị định thư là hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững và các nước phát triển thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính định lượng nhằm góp phần đạt được mục tiêu chung của UNFCCC. Nghị định thư được mở ký từ ngày 16 tháng 3 năm 1998 đến ngày 15 tháng 3 năm 1999 và sau đó được mở để các nước tiếp tục gia nhập, và có hiệu lực ngày 16 tháng 2 năm 2005, 90 ngày sau khi Liên bang Nga phê chuẩn.
Thành quả chính của Nghị định thư Kyoto là xác định những chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp và thành lập ba cơ chế linh hoạt để các bên tham gia Nghị định thư có thể cùng nhau phối hợp thực hiện mục tiêu chung, đó là: Cơ chế cùng thực hiện (JI); Cơ chế phát triển sạch (CDM); Buôn bán phát thải quốc tế (IET). Các hội nghị quốc tế COP 13, COP 14, COP 15, COP 16, COP 17, COP 18 và COP 19. Hội nghị tại Bali, Inđônêsia năm 2007 (COP 13) đề xuất các nước mới nổi giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, và buộc các nước giàu giảm 25-40% lượng phát thải so với năm 1990. Sau 13 ngày thảo luận căng thẳng, 187 Bên nước tham dự Hội nghị đã thông qua 14 quyết định và 1 nghị quyết, trong đó quan trọng nhất là “Lộ trình Bali” với một lộ trình thương thảo nhằm đạt được một cam kết quốc tế mới về giảm phát thải có định lượng tại COP 15 (tháng 12 năm 2009 tại Copenhagen) thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 15) với 192 quốc gia tham dự trong đó có hơn 100 nguyên thủ quốc gia đã được tổ chức tại thủ đô Đan Mạch Copenhagen từ ngày 7 đến 19 tháng 12 năm 2009. Sau 13 ngày tranh luận căng thẳng, một thoả thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý, được gọi là "Hiệp ước Copenhagen" (Copenhagen Accord) do một nhóm nước gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Braxin đưa ra.
Hiệp ước Copenhagen khẳng định biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ và các nước đều phải có ý chí chính trị mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu trên tinh thần trách nhiệm chung. Thoả thuận nêu rõ sự cần thiết của việc duy trì nồng độ khí phát thải ở giới hạn cho phép nhằm giữ nhiệt độ Trái đất không vượt quá 2oC theo khuyến cáo của các nhà khoa học; kêu gọi cắt giảm mạnh lượng khí thải toàn cầu và thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc trợ giúp các nước đang phát triển, nhất là những nước chịu ảnh hưởng nặng, nước kém phát triển và các quốc đảo nhỏ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, thoả thuận cũng đề cập tới việc thành lập quỹ trợ giúp 100 tỷ USD vào năm 2020, trong đó có quỹ hành động nhanh khoảng 30 tỷ USD cho giai đoạn 3 năm (2010 – 2012), gồm 11 tỷ USD do Nhật Bản đóng góp, 10,6 tỷ USD của Liên minh châu Âu và 3,6 tỷ USD của Mỹ, để giúp các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) (1992), Nghị định thư Kyoto (KP) (1998). Bộ Tài nguyên và Môi trường được chỉ định là Cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam tham gia và thực hiện UNFCCC, KP.
Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, Quyết định, Nghị quyết giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các cam kết này.Trong thời gian qua, theo tinh thần của Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi khí hậu (CTMT). Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 và trở thành định hướng và chiến lược cơ bản quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2193/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong đó nêu rõ, mục tiêu chung của chiến lược là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1183/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương tình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, Mục tiêu chung của Chương trình là từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng cường nhận thức và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền kinh tế carbon thấp, tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống trái đât.
Việt Nam phấn đấu đạt 45% độ che phủ rừng ngập mặn vào 2020. Đây là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng được xem như động thái cấp thời để Việt Nam ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu - thách thức nghiêm trọng nhất đối với toàn nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.Nước biển dâng 1m, tổn thất 10% GDP.
Những con số được các chuyên gia cảnh báo cho thấy Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cụ thể nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng cho thấy VN coi biến đổi khí hậu là một thách thức nặng nề song cũng là cơ hội cho phát triển bền vững. Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP17/CMP7) tại thành phố Durban, Nam Phi Bộ Tài nguyên Môi trường đã trao đổi về việc triển khai hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc thực hiện sáng kiến “Phát triển phát thải cácbon thấp” (LEDS).
Vì vậy ngoài việc thực hiện từng bước 4 mục tiêu lớn của chiến lược, trước mắt chúng ta phải tập trung chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu. Đây là 1 trong 10 nhiệm vụ chiến lược của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Cụ thể đến năm 2015, phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nâng thời hạn dự báo bão, không khí lạnh lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực Châu Á để có thể cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời rà soát, xây dựng các quy hoạch phát triển, quy chuẩn xây dựng trong vùng thường xuyên bị thiên tai phù hợp với điều kiện gia tăng thiên tai do biến đổi khí hậu; củng cố, xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm cấp bách; nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể để phòng, chống hiệu quả thiên tai, lũ quét và sạt lở ở vùng núi.
Như vậy, biến đổi khí hậu gây những tác động và tổn thương nặng nề về mặt xã hội. Chính vì vậy, cần hình thành một cơ chế và chính sách để đặt thích ứng với biến đổi khí hậu như là một vấn đề liên ngành, trong đó có sự đóng góp tích cực của các chuyên gia xã hội và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn khuyến nông cho nguời nghèo, mở rộng sinh kế bằng cách đa dạng hoá hoạt động sản xuất và thu nhập. Qua đó, thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học để tìm ra những loại gen di truyền mới xuất hiện, thúc đẩy sản xuất sạch, tiến tới một nền nông nghiệp không phát thải các-bon.
Việt Hồng