Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu
18:09 - 21/01/2016
(MTNT)- Năm 2015, hạn hán ở Việt Nam gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Có tới gần 40.000 héc ta đã phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122.000 héc ta và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lưu lượng dòng chảy ở nhiều nơi trên cả nước đã thấp hơn trung bình các năm

 
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai nhận định: El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối năm 2014 và có khả năng tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2016. Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa đông ấm ở khu vực miền núi, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

 
Từ đầu năm 2015 đến nay, lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ đã thiếu hụt tới 30- 50% so với lượng mưa trung bình của nhiều năm, còn đối với khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thiếu hụt khoảng 10- 20%. Về lượng dòng chảy, ở khu vực Bắc Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20- 70%, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên thiếu hụt 20- 60%, thậm chí có nơi lên tới hơn 80% như Nghệ An và Khánh Hòa.


 
Mặc dù dung tích dự trữ của các hồ chứa thủy lợi ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phần lớn đã đạt trên 90% thiết kế, nhiều hồ thậm chí đã trữ đầy nước. Tuy nhiên ở các hồ như: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang là các hồ chứa thủy điện tham gia vào việc điều tiết nước cho hạ du sông Hồng để phục vụ quá trình gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở khu vực này thì lượng dòng chảy đến hồ vẫn được dự báo bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
 

Đối với khu vực vùng miền núi phía Bắc, mặc dù có lượng nước trữ tương đối khá nhưng diện tích phục vụ tưới lại không lớn, nguyên nhân do phần lớn các hồ chứa có dung tích không đủ lớn. Do vậy, những diện tích canh tác phụ thuộc việc lấy nước tưới từ sông, suối nhờ các đập dâng nhỏ hoặc canh tác nhờ nước trời sẽ có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở vụ Đông Xuân 2015- 2016.


 
Ở vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, dòng chảy hạ du sông Hồng sẽ được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân trong khoảng tháng 1 và tháng 2/2016. Mặc dù vậy, tới thời điểm tháng 3- 4/2016 lại sẽ có khả năng xảy ra thiếu nước tưới do các nhà máy thủy điện giảm công suất. Ngoài ra, hiện tượng mùa đông ấm sẽ có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, nguy cơ gây giảm năng suất và mất mùa.

 
Ở các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương cũng đưa ra dự báo nhiều khả năng nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng và tình trạng này còn kéo dài đến tận tháng 5- 2016.

 
Điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa Đông Xuân, Xuân Hè, sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu… làm giảm năng suất hoặc mất trắng do thiếu nước, nhất là ở các vùng ven biển. Ngay từ bây giờ, các địa phương đang rất khẩn trương triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để ngăn mặn, giữ ngọt, hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.
 

Có thể thấy rõ tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều địa phương trong năm 2015 như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang... Ở một số nơi, nước mặn đã xâm nhập từ 50- 60 km vào sâu trong nội đồng. Độ mặn cũng cao hơn những năm trước khiến cho hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả của người dân bị thiệt hại.

 
Theo các tài liệu khoa học đã đưa ra cảnh báo, khi độ mặn vượt quá 10/00 là nguồn nước đó đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 40/00 thì cây cối không sinh trưởng được và chết. Song thực tế, có thời điểm ở một số địa phương của đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn đo được đã tăng lên từ 8- 90/00, thậm chí có nơi cao tới 110/00.


 
Tìm hiểu tác động của hạn, mặn đối với sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương, các nhà khoa học cho biết, mùa mưa năm nay ở Cà Mau kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm. Gần một tháng trở lại đây đã không còn đủ nước ngọt rửa mặn để gieo cấy vụ lúa trên đất nuôi tôm, năm 2015 gieo cấy được 31.274 ha trên tổng số 42.800 ha theo kế hoạch đề ra. Vì vậy, lúa ở đây phát triển rất kém, năng suất sụt giảm nghiêm trọng.

 
Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng tới hơn 50 km. Nếu so với cùng kỳ năm 2014, độ mặn nơi này cũng đã tăng cao hơn từ 5,6- 7,70/00. Còn tại tỉnh Bến Tre, vào các tháng mùa khô năm 2015, do lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về không ổn định dẫn đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng diễn biến bất thường, thời gian diễn ra sớm và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực bị xâm nhập mặn chủ yếu tập trung ở những vùng giáp biển, trong đó có huyện Thạnh Phú.

 
Tại Sóc Trăng, nhiều khu vực mà nông dân trồng lúa giáp ranh với khu vực nước mặn nuôi tôm cũng đang thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Máy bơm nước của nông dân được huy động hàng loạt nhưng đành phải chịu cảnh “treo máy” vì nước ở các kênh mương đã bắt đầu cạn kiệt. Trong khi đó, nhiều hệ thống thủy lợi điều phối nước trên sông Tiền đang lo lắng sẽ thiếu nguồn nước ngọt phân phối cho hơn 30.000 ha đất trồng lúa vì không có hồ trữ nước mà việc bơm tưới chủ yếu dựa vào hệ thống kênh trục.


 
Theo ông Hoàng Đức Cường- Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của El Nino, dòng chảy thượng nguồn sông Cửu Long đang bị thiếu hụt nhiều, xâm nhập mặn tại nhiều vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuất hiện sớm, vào sâu trong đất liền so với cùng kỳ. Đặc biệt, tại các vùng cách biển từ 25- 35 km, trong khoảng từ tháng 1- 2/2016 trở đi gần như không có khả năng lấy nước ngọt; còn các vùng cách biển từ 45- 65 km, từ tháng 1- 5/2016 sẽ có khả năng cao bị mặn xâm nhập.

 
Theo ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước những ảnh hưởng nặng nề do mặn xâm nhập trong mùa khô năm nay và nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tới, biện pháp khẩn cấp được các tỉnh triển khai là hạn chế xâm nhập mặn các khu vực lúa và nông sản có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.


 
Về những biện pháp trước mắt đối phó với hiện tượng hạn xâm nhập, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, để bảo vệ 38 nghìn ha lúa đông xuân ở các huyện phía đông và khoảng 30 nghìn ha lúa hè thu năm 2016 ở các huyện phía tây, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã Gò Công, Cai Lậy và thành phố Mỹ Tho tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông. Những nội dung về: Hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các biện pháp chỉ đạo ứng phó của cấp trên được phổ biến rộng rãi đến các cấp chính quyền và người dân trong khu vực để chủ động phòng tránh. Các kế hoạch phòng, chống hạn, mặn được khẩn trương hoàn chỉnh, việc nạo vét kênh mương, vệ sinh rong cỏ, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh được phát động thường xuyên.

 
Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ hơn 120 nghìn ha đất nông nghiệp và gần 53 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản thuộc bảy tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, mới đây Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng dự án thủy lợi bắc Bến Tre. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.590 tỷ đồng, dự kiến sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2015 đến năm 2021.

 
Các nhà khoa học đưa ra nhận định, nhiều khả năng hiện tượng El Nino 2014- 2016 sẽ là một trong El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua. Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương cho biết từ cuối năm 2014 đến nay, do ảnh hưởng của El Nino, mưa và dòng chảy sông, suối ở hầu hết các khu vực đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Khả năng cường độ của El Nino sẽ mạnh kỷ lục như hồi năm 1997- 1998 và xác suất kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015- 2016 lên tới 90%.


 
Trước tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng trầm trọng, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các địa phương về công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn, phương án bảo đảm cung ứng điện, nước cho sinh hoạt, sản xuất vụ đông - xuân năm 2015 và năm 2016. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn khi hiện tượng El Nino là kỷ lục trong 60 năm qua, lượng mưa giảm và các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường nhất. Cần sẵn sàng trong mọi trường hợp, luôn chủ động để giảm thiểu thiệt hại”. Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương cần ưu tiên cho nước sinh hoạt của nhân dân, nước cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, rồi mới đến sản xuất công nghiệp.
 
 
 
 
 

Trọng Cao
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn