|
Ảnh minh họa |
Theo quy luật hàng năm, tại các tỉnh ĐBSCL xâm nhập mặn thường diễn ra từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thế nhưng năm nay tháng 7 bất ngờ diễn ra xâm nhập mặn.
Mùa khô vừa qua, tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang... Theo Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại các địa phương trên, nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 60km, độ mặn cũng cao hơn những năm trước, khiến hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại.
Xâm nhập mặn không chỉ tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc canh tác, sản xuất của người dân. Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1 phần nghìn là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4 phần nghìn cây không sinh trưởng được và chết.
Thực tế, tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, có thời điểm độ mặn đã lên đến 8-9 phần nghìn. Và với tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng này càng ngày càng có những diễn biến khó lường, thậm chí không chỉ diễn ra ở vùng ĐBSCL mà cả nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ở ĐBSCL, từ đầu tháng 7/2015 đến nay, dù đã vào mùa mưa nhưng nhiều vùng ngọt hóa ở ĐBSCL bị nước mặn tấn công dữ dội khiến nhiều hộ dân trở tay không kịp…
Tại Hậu Giang, xâm nhập mặn bất thường lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua. Xâm nhập mặn đe dọa khoảng 18.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vào giữa mùa mưa nhưng địa bàn huyện Phụng Hiệp lại bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn. Nếu như mọi năm, đến khoảng 10/5, hạn mặn dứt điểm thì năm nay, đến giữa tháng 7, nồng độ mặn ở Phụng Hiệp vẫn còn khá cao. Tại xã Phương Phú, độ mặn đo được đã lên đến 4,4 ‰, tại thị trấn Búng Tàu là 2,6‰, cách thị trấn Búng Tàu 5km về hướng thị xã Ngã Bảy là trên 1,1%o, tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm. Người dân địa phương cho biết, đây là đợt xâm nhập mặn nhanh chưa từng có trong vòng 20 năm qua. Chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh trở tay không kịp. Đã có 12.000ha lúa vụ 3 không thể gieo trồng, hàng nghìn ha cây ăn trái giảm năng suất.
Tại tỉnh Tiền Giang, mùa khô năm nay diễn ra khá khắc nghiệt, nhất là đối với các huyện nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công ở phía Đông của tỉnh như huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công. Mặn xâm nhập sâu vào phía thượng lưu sớm hơn cùng kỳ năm trước hơn một tháng và diễn biến rất phức tạp. UBND tỉnh phải công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 1.
Tại Trà Vinh, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng hơn 50 km. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, độ mặn đã tăng hơn từ 5,6 - 7,7%, ảnh hưởng đến hàng ngàn ha lúa vụ đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh.
Trong khi đó, tình trạng xâm nhập mặn tại Bạc Liêu cũng đang ở mức báo động khi độ mặn đo được trên nhiều tuyến sông cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Điều này đã uy hiếp nghiêm trọng hơn 20.000 ha lúa Đông xuân của tỉnh, đặc biệt là hai huyện Phước Long và Hồng Dân.
Tỉnh Bến Tre có những cửa sông lớn thuộc sông Cửu Long như Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên… nên bị nước mặn xâm nhập khá nhanh. Nước mặn đã xâm nhập vào khu vực nội đồng khoảng 55- 60km bao gồm các huyện Ba Tri, Chợ Lách, Châu Thành. Huyện Châu Thành chịu ảnh hưởng nặng nhất với hai xã Quới Sơn và Tân Thạch (tỉ lệ độ mặn 4 phần nghìn, 60km cách cửa biển).
Theo dự báo, 15 năm nữa sẽ có tới 45% diện tích của ĐBSCL đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Eninol gây mưa ít cộng với các công trình thủy lợi, thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn đã là những nguyên nhân khiến xâm ngập mặn đến sớm và kéo dài.
Qua từng năm, nhiều nơi nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50 đến 70km, độ mặn cũng cao hơn. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m có khoảng 39% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập, gần 35% dân số bị ảnh hưởng và sẽ có khoảng 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn.
Theo từng giai đoạn, năng suất lúa dự báo giảm 8-15% vào năm 2030. Việc ảnh hưởng của xâm ngặp mặn đến nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy, hải sản… cũng sẽ ngày càng khó lường.
TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho biết: “Tùy vào giai đoạn và mức độ lên xuống của thủy triều cho ra những con số khác nhau. Tuy nhiên có thể kết luận năm nay nguồn nước ngọt đưa vào ĐBSCL rất là ít. Mặc dù đang mùa mưa nhưng nhiều nơi vẫn bị nhiễm mặn xâm nhập sâu hơn so với những năm trước và thiếu nước ngọt nghiêm trọng”.
Cũng theo TS Lê Anh Tuấn, các viện nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định hiện tượng El Nino đang trở lại, nhưng có vẻ chu kỳ của hiện tượng này sớm hơn và khốc liệt hơn. Miền Bắc thì mưa lũ dữ dội, còn miền Nam thì khô hạn. Trước đây biến đổi khí hậu là dự báo xa, nhưng giờ là hiện thực đang rất gần.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, kết quả của nhiều nghiên cứu xâm nhập mặn vùng ĐBSCL từ 1980 đến nay cho thấy chiều dài xâm nhập mặn vào cửa sông phụ thuộc chặt chẽ bởi 6 yếu tố là (1) Dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông Mekong; (2) Khả năng trữ nước cuối mùa lũ của vùng ĐBSCL; (3) Diễn biến mực nước ven biển; (4) Tình trạng sử dụng nước ở ĐBSCL; (5) Hình dạng lòng sông vùng cửa và (6) Diễn biến mưa đầu mùa mưa. “Gió chướng” cũng là một trong những nguyên nhân đẩy mặn lên cao hơn, song hiện tượng này chỉ mang tính “tình thế” nên chỉ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
Từ 6 nguyên nhân trên cho thấy, khi gặp những năm khô hạn ảnh hưởng trên diện rộng đến toàn lưu vực (như năm 2010), dòng chảy kiệt xuống hạ lưu thấp, chắc chắn sẽ làm ranh mặn lên rất cao. Có thể thấy lũ năm 2014 thấp, nên mặn mùa khô năm 2015 lên rất cao, tương tự như năm 2004.
Trước tình hình nhiễm mặn, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai khẩn cấp các biện pháp để chống và ngừa nhiễm mặn bằng cách hạn chế xâm mặn các khu vực lúa và nông sản có nguy cơ bị ảnh hưởng và bơm nước giảm nhiễm mặn cho các khu vực bị nước mặn xâm nhập. Hệ thống cống hở, cống thoát nước được đóng lại và dự kiến sẽ có một số khu vực phải đắp đập tạm thời để hạn chế nước mặn xâm nhập.
Để ứng phó với tình hình hạn và xâm nhập mặn, Tiền Giang đã đầu tư gần 25 tỉ đồng để nạo vét 138 tuyến kênh nội đồng bị cạn, bồi lấp với chiều dài trên 126 km; đắp 166 đập và tổ chức gần 200 điểm bơm chuyền 2 cấp để cứu diện tích lúa nằm trong vùng trọng điểm khô hạn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã đầu tư trên 83 tỉ đồng để triển khai thi công trên 300 công trình thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm đối phó với hạn và xâm nhập mặn…