(Website Hội NDVN)- Sáng 5/6, tại TPHCM, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Lễ mít tinh quốc gia, cùng các địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2014 với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”.
Lễ mít tinh cấp quốc gia tại TP.HCM được tổ chức ở khu vực phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân với hơn 1.500 người tham gia.
Sau lễ phát động, các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy Kênh Nước Đen, trồng cây xanh, tổ chức đi xe đạp truyên truyền bảo vệ môi trường, vận động bỏ rác đúng nơi quy định, tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại Nhà máy xử lý nước thải đô thị,... đã được tổ chức
Ngày Môi trường thế giới do Liên Hợp Quốc sáng lập ngày 5/6/1972 nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của hơn 130 quốc gia trên thế giới. Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam chính thức tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.
Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu đối với khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố Ngày Môi trường Thế giới 5/6 nằm trong Năm Quốc tế về các Quốc đảo Nhỏ Đang Phát triển 2014, nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết lưu tâm đến nhóm các quốc gia trên trong các buổi thảo luận về cách thức đạt được một tương lai bền vững cho tất cả các quốc gia.
Với chiều dài 3.260km đường bờ biển cùng với hơn 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2-3 độ C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm; mực nước biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể dâng khoảng từ 85cm đến 105 cm so với thời kỳ 1980 - 1999.
Nếu mực nước biển dâng cao 1m, đối với đồng bằng sông Cửu Long: khoảng 39% diện tích có nguy cơ bị ngập; 27,8% chiều dài đường quốc lộ có nguy cơ bị ảnh hưởng; 26,8% chiều dài tỉnh lộ có nguy cơ bị ảnh hưởng; 34,6% số dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, cùng với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, các địa phương trong cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm mục đích nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, cơ quan, đoàn thể đối với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
Ðây cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhau thống nhất hành động, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Các bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy cùng nhau có những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH hướng đến xây dựng một tương lai bền vững.
Minh Hà