(Cổng ĐT HND) - Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại nhiều khu vực nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.
Hiện nay, lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày, tương đương với 6.6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, việc phân loại chất thải rắn nông thôn còn rất nhiều hạn chế. Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40 - 55%.
Hầu hết các địa phương đều chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh theo đúng quy định, chủ yếu là đổ đống vào một khu vực. Tại đó, chất thải rắn nguy hại của nông nghiệp như vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật được đổ lẫn chất thải thông thường nên việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đo, các loại rơm rạ không được thu gom mà đốt ngay tại ruộng gây khói mù và ô nhiễm không khí; nhiều làng nghề xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nên việc sử dụng một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật là điều tất yếu. Mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 130.000 đến 150.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa kiểm soát tốt số lượng và chủng loại hóa chất bảo vệ thực vật được phun rải tại các cánh đồng làm cho chất lượng đất ngày càng suy giảm và thoái hóa. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang lưu giữ một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng; hơn 1.150 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước là một gánh nặng không nhỏ lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn vẫn chưa được tăng cường; sự tham gia công tác BVMT của người dân và cộng đồng còn rất nhiều hạn chế. Chính quyền và người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thấy rõ được những nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp, nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân như thế nào.
Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các địa phương, đặc biệt tại các huyện, thị trấn vừa thiếu, vừa yếu. Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp môi trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nhiều nơi còn đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương trong quản lý chất thải nông nghiệp, nông thôn còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm một cách rõ ràng.
Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Đây cũng là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng.
Trong đó, phải kể tới vai trò rất quan trọng của người nông dân. Hiện nay, để sản xuất ra thực phẩm, phải sử dụng rất nhiều tài nguyên đất, nước. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% lượng nước ngọt, góp 80% nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính... Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, nông dân phải sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)... Nếu người nông dân sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Thứ nhất: Trước hết phải xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Trước tiên, cần phải tuyên truyền, giáo dục người nông dân hiểu biết hơn về các vấn đề môi trường. Môi trường là sự sống còn của chính mình, của đất nước, của các thế hệ con cháu mai sau. Phát huy văn hóa, tri thức bản địa để xây dựng mô hình gia đình, làng xã phát triển bền vững. Mỗi người dân, mỗi làng xã cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cùng quản lý, bảo vệ, làm giàu thêm tài nguyên môi trường. Điều quan trọng cốt yếu nhất là nâng cao trình độ dân trí, nhận thức đầy đủ về hài hòa lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống.
Thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể. Lấy chỉ số đầu tư cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, kết quả bảo vệ môi trường cụ thể để đánh giá.
Thứbai: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế-xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khắc phục suy thoái, khôi phục và nâng cao chất lượng môi trường; Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; Khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển “năng lượng sạch”, “sản xuất sạch”, “tiêu dùng sạch”; Tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp hành động và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế cho công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Thứ tư: Coi trọng yếu tố môi trường trong tái cơ cấu kinh tế, tiếp cận các xu thế tăng trưởng bền vững và hài hòa trong phát triển ngành, vùng phù hợp với khả năng chịu tải môi trường, sinh thái cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên và trình độ phát triển. Đã đến lúc “nói không” với tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá; Tăng trưởng kinh tế phải đồng thời với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng phải thay đổi theo hướng có lợi cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, hỗ trợ để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Cuối cùng: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, chuẩn bị cơ sở pháp lý cho ứng phó với biến đối khí hậu theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, tiến tới xây dựng Bộ Luật Môi trường, hình thành hệ thống các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành theo hướng thống nhất, công bằng, hiện đại và hội nhập, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ trách nhiệm và thiếu khả thi. Hệ thống pháp luật về môi trường phải tương thích, đồng bộ trong tổng thể hệ thống pháp luật chung của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.