Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới thích ứng với biến đổi khí hậu
(MTNT) – Những năm gần đây, các yếu tố cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng có sự gia tăng và diễn biến xấu, tạo áp lực rất lớn trong quá trình phát triển nói chung của ngành nông nghiệp nước ta. Thậm chí, các chuyên gia đã đưa ra dự báo trong thời gian tới, tình trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra phức tạp, gây nên những thiệt hại lớn làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của bà con nông dân tại nhiều địa phương trong cả nước.
|
Những năm qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn thường xuyên phải gánh chịu tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu khiến cho ruộng đồng nứt nẻ, ao hồ cạn kiệt, các loại cây trồng của bà con nông dân bị héo rũ, chết khô |
Trước thực trạng nhiều khó khăn như trên, các cấp, các ngành cùng chính quyền tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp linh hoạt để tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững; đồng thời, thích ứng kịp thời với sự thay đổi bất thường của thời tiết. Qua đó, vừa giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất vừa gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, để có thể chủ động ứng phó với những biến đổi bất thường do các yếu tố thời tiết cực đoan gây ra (lũ quét, mưa đá, sương muối, băng giá...), ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã nghiên cứu từ thực tế và tham mưu trình UBND tỉnh ban hành triển khai thực hiện một số đề án phù hợp với từng địa phương. Cụ thể như: Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến bảo vệ môi trường; phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao; phát triển thủy sản bền vững…
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh đã cho ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các Hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả; hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; hỗ trợ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp, thủy sản...
Đồng thời, các ngành chức năng trên địa bàn cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu, hướng dẫn, vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động điều chỉnh mùa vụ sản xuất; nhân rộng một số giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao cũng như có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Mặt khác, khuyến khích mở rộng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp; mô hình cây trồng trái vụ; hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn (sản xuất trong nhà màng, nhà kính); áp dụng các giải pháp công nghệ tiết kiệm nước nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình cấp thoát nước, hồ chứa đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp...
Kết quả, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 ha cây trồng đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, tưới phun; hơn 53 ha ứng dụng mô hình nhà lưới, nhà kính; trên 17.500 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng, duy trì hơn 196 chuỗi cung ứng sản xuất an toàn.
Đáng chú ý, nhờ tăng cường việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ghép cải tạo vườn tạp, tỉa cành, tạo tán, sản xuất cây ăn quả trái vụ… đã góp phần giúp bà con nông dân nâng cao cả về năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác mỗi năm. Tiêu biểu như: Mô hình trồng bơ (đạt 219 triệu đồng/ha); trồng thanh long (đạt 228 triệu đồng/ha); trồng nhãn ghép (mang lại 226 triệu đồng/ha); trồng dâu tây (414 triệu đồng/ha); trồng na (đạt 356 triệu đồng/ha)...
Điển hình của sự thành công rõ nét ngay tại địa phương có mô hình trồng dâu tây trong nhà màng của Hợp tác xã Dũng Tiến ở bản Km 83, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu). Được sự hỗ trợ về nguồn lực của Dự án “Ươm mầm tương lai tươi sáng cho phát triển kinh tế và trao quyền cho phụ nữ ở Sơn La thông qua cây giống và rau nhà màng chất lượng cao” thuộc Chương trình Great của Chính phủ Úc đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giúp tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Niên vụ 2020- 2021 cũng là năm đầu tiên Hợp tác xã đẩy mạnh đầu tư triển khai việc chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng dâu tây trong nhà màng. Với diện tích canh tác hơn 600 m², Hợp tác xã đã huy động các thành viên nữ và thuê thêm nhiều lao động nữ ở địa phương thường xuyên chăm sóc vườn dâu tây. Đến nay, Hợp tác xã đã thu hoạch được lứa dâu đầu tiên với giá bán tại vườn trung bình khoảng 200.000 đồng/kg, hứa hẹn một vụ dâu tây cho năng suất và nguồn thu nhập cao.
Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa diện tích canh tác, cùng với việc chuyên canh trồng dâu tây, Hợp tác xã còn kết hợp sản xuất thêm rau màu và trồng một số loại cây ăn quả đặc trưng. Năm 2020, ước tính tổng doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 3 tỷ đồng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nữ ở địa phương có mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng.
Tại tỉnh Quảng Trị, do địa hình nơi này vốn gặp nhiều khó khăn, lại cộng thêm những yếu tố bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu nên thời gian qua, mỗi khi vào mùa nắng nóng thì hầu hết các địa phương trong tỉnh lại phải đối diện với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Để đối phó với thực trạng này, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung hướng dẫn bà con nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp và bước đầu đã mang lại những tín hiệu khả quan.
Địa bàn xã Gio Phong thuộc huyện Gio Linh vốn là một xã thuần nông của tỉnh. Trước đây, với diện tích canh tác 300 ha, bà con nông dân vẫn tập trung chuyên canh trồng lúa nước, bình quân gieo cấy 2 vụ/năm.
Do lượng nước tưới phục vụ sản xuất đang ngày càng bị thiếu hụt trầm trọng khiến cho năng suất lúa của bà con trong xã luôn ở mức thấp (trung bình chỉ thu hoạch được hơn 2 tạ/sào). Đặc biệt, tình trạng thiếu nước tưới còn xuất hiện thường xuyên hơn mỗi khi địa phương bước vào thời điểm sản xuất của vụ Hè- Thu hàng năm. Vì thế, có rất nhiều diện tích đất canh tác của bà con đành phải bỏ hoang do không thể tiến hành gieo cấy được bởi khô hạn.
Trước thực tế khó khăn kể trên, các cấp chính quyền xã đã nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn, vận động bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu khác như: Ngô, lạc, đậu xanh… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được của các mô hình cũng chưa cao.
Sau một thời gian nghiên cứu, được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp huyện, bà con nông dân trong xã đã tích cực chuyển đổi sang mô hình trồng dưa hấu trái vụ nhằm gia tăng hiệu quả canh tác trên cùng một đơn vị diện tích. Song lúc đầu, do còn nhiều lo ngại nên chỉ có vài hộ dân mạnh dạn tham gia mô hình này.
Từ những mô hình thí điểm ban đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan và thiết thực. Nhận thấy việc trồng dưa hấu trái vụ giúp người trồng đạt được giá trị kinh tế cao ngay trên vùng đất khô hạn, toàn xã hiện đã có hàng chục hộ dân tích cực hưởng ứng và tham gia mô hình với tổng diện tích canh tác đạt gần 20 ha. Bước đầu cho thấy đây thực sự là loại cây trồng thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương; mặt khác, còn có khả năng chống chịu được với tình trạng hạn hán và khô nóng.
Bên cạnh đó, do được trồng trái vụ nên sản phẩm dưa hấu sản xuất ra rất dễ để tìm kênh tiêu thụ và có giá bán khá tốt trên thị trường. Từ đó, thu nhập và đời sống của bà con nông dân trong xã đã dần được cải thiện rõ nét.
Hiện, ước tính với 1 sào trồng dưa hấu, mỗi hộ dân có thể thu lãi từ 5- 7 triệu đồng/vụ; nếu so với việc trồng lúa thuần như trước đây thì người nông dân chỉ có lãi chưa đến 1 triệu đồng. Như vậy, mô hình trồng dưa hấu trái vụ thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa.
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Hưng ở thôn Lễ Môn- xã Gio Phong trước đây có 5 sào đất và vẫn thường canh tác trồng lúa nước. Những năm trước, quá trình sản xuất của gia đình ông luôn gặp phải nhiều khó khăn, phần do thiếu hụt nguồn nước tưới, tình trạng khô hạn lại diễn ra thường xuyên, cây trồng thì lắm sâu bệnh… nên năng suất và lợi nhuận đạt được đều rất kém khiến cái nghèo đeo bám mãi.
Nhận thấy một số hộ dân trong thôn nhờ chuyển đổi sang trồng giống dưa hấu trái vụ giúp mang lại giá trị kinh tế cao nên từ tháng 4/2019, gia đình ông đã tích cực cải tạo đồng ruộng và đầu tư học hỏi để làm theo. Hiện, gia đình ông đã chuyển đổi thành công 3 sào đất lúa cũ sang trồng giống dưa hấu này.
Nhờ phát huy tốt được những lợi thế của cây trồng ngay trên đồng đất địa phương như: Cây dưa hấu chống chịu được với nắng hạn (đặc biệt, càng nắng hạn thì dưa càng ngọt và cho nhiều nước); chi phí đầu tư cho sản xuất ít hơn; cây trồng ít bị sâu bệnh hơn; thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch ngắn (khoảng 70 ngày)… Theo ước tính, với hơn 1 sào canh tác trung bình sẽ cho thu hoạch từ 5- 6 tạ dưa hấu, lợi nhuận thu được của gia đình ông đạt khoảng trên 15 triệu đồng/vụ.
Có thể thấy, chính từ việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, có sự mạnh dạn đổi mới trong tư duy canh tác sản xuất của người nông dân đã giúp nhiều tỉnh, thành của cả nước giữ được thế chủ động, triển khai các giải pháp thiết thực nhằm thích nghi, điều tiết sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả và mang tính bền vững. Sau khi mạnh dạn chuyển đổi sang những loại cây trồng mới, bà con nông dân đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Mặt khác, chính nhờ có thu nhập nên người dân tích cực tham gia đóng góp trở lại để xây dựng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn như: Điện – đường – trường – trạm; đặc biệt, là hệ thống đường giao thông nông thôn.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của nước ta trên rất nhiều lĩnh vực. Mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. Những ngành bị tổn thương lớn nhất gồm: Nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người dân ở khu vực miền núi và ven biển; đặc biệt là người nghèo, phụ nữ và trẻ em.
Biến đổi khí hậu cũng làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Hơn nữa, nhiệt độ môi trường tăng sẽ làm cho năng suất lúa giảm sút, dự báo giảm khoảng 4,2%/năm; đồng thời, mực nước biển dâng 13 cm3 vào năm 2030 cũng sẽ làm năng suất lúa giảm khoảng 9%. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn làm suy giảm trữ lượng của các loài thủy sản. Dự báo đến năm 2030, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP.
Biến đổi khí hậu làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy nhanh hơn sự chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến cho một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị và sẽ làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm; tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước ngày càng trở nên phổ biến hơn… |