Tuyên truyền, vận động hội viên bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu
15:43 - 23/07/2021
(MTNT)- Năm 2020, tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã làm 249 người chết; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 ngôi nhà bị ngập. Do đó, gây thiệt hại nặng nề cũng như làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân.
Các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng 1.822 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


Trước diễn biến bất thường của thời tiết xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung cũng đã gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Theo đó, đã có 49.931 ha trồng lúa và hoa màu bị thiệt hại; 42.700 con gia súc, 4,11 triệu con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 800 km2 đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng… ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng trên 30.000 tỷ đồng.
 
 
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Hội về “Nâng cao trách nhiệm của Hội NDVN tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”; Chương trình phối hợp số 48 giữa Hội NDVN với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giai đoạn 2020-2023, các cấp Hội đã tổ chức vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia cải tạo cảnh quan, bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trung ương Hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Ngà̀y Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam và Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020.
 
 
Trung ương Hội phối hợp Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tăng cường sự phối hợp giữa Hội ND các cấp với ngành TN&MT trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống; tổ chức 110 lớp tập huấn cho 11.000 cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ năng truyền thông phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường; nâng cao nhận thức, kiến thức về giữ gìn và phát triển làng nghề thủ công gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức, kiến thức về thu gom xử lý chất thải rác thải nông thôn; nâng cao trách nhiệm của nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường biển, nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện vệ sinh, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
 
 
Đến nay, đã có 7.685 cơ sở Hội xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững (đạt 462,1% kế hoạch). Trong đó, Trung ương Hội hướng dẫn các tỉnh, thành Hội xây dựng 41 mô hình điểm về: Thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn, xử lý chất thải bảo vệ môi trường làng nghề chế biến nông sản nằm xen kẽ trong khu dân cư nông thôn, gìn giữ và phát triển làng nghề sản xuất thủ công gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường biển, cải thiện điều kiện vệ sinh, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo.
 
 
Nhìn chung, các mô hình áp dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, trình độ của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua đó giúp nông dân tạo cảnh quan, môi trường sống, hình thành ý thức tự giác, thay đổi hành vi, hủ tục lạc hậu, sống thân thiện với môi trường.
 
 
Hội còn hướng dẫn và xây dựng 10 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học tại 10 tỉnh gồm: Tuyên Quang (cá tầm), Lai Châu (gà đen), Hòa Bình (na dai), Bắc Ninh (cá chép V1), Thái Bình (cá đù đỏ), Hà Nam (ếch thịt), Nghệ An (gà đen), Quảng Trị (gà thịt), Lâm Đồng (sầu riêng Monthong) và Cà Mau (tôm sú).
 
 
Các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng 1.822 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; mô hình sản xuất thích ứng với hạn, mặn; mô hình kinh doanh dịch vụ, làng nghề… Từ kết quả của các mô hình điểm, các cấp Hội tổ chức cho hội viên, nông dân đến tham quan học tập để nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
 
 
Bên cạnh đó, Hội còn tăng cường việc củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với 67 đối tác, đặc biệt là các đối tác Hà Lan, các cơ quan của Liên Hợp Quốc; mở rộng quan hệ với 01 đối tác Hồng Kông nhằm xây dựng các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
 
 
Tại Hòa Bình, Hội ND tỉnh xác định công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ký Nghị quyết liên tịch với Sở TN&MT về việc phối hợp hành động trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nông thôn giai đoạn 2016–2020. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp Hội tổ chức, thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Lồng ghép nội dung tuyên truyền về  bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; tổ chức các hội nghị, hội thảo; giao lưu sân khấu hóa; tập huấn về nông nghiệp hữu cơ; trồng cây xanh...
 
 
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, từ đầu năm 2019 đến nay, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội xây dựng 143 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” gắn với khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu; 02 mô hình “Thu gom,  phân  loại  và  xử  lý  rác  thải  hữu  cơ thành phân bón tại nguồn” tại xã Yên Mông (TP. Hòa Bình), xã Cư Yên (huyện Lương Sơn); 199 mô hình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; 01 chi Hội ND nói không với rác thải nhựa tại huyện Yên Thủy, 150 công trình “Hàng cây nông dân”.
 
 
Hội đã tổ chức 04 cuộc giao lưu sân khấu hóa và 01 lễ phát động hưởng ứng xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu với mục tiêu từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên trong công tác bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để đưa Luật và các văn bản liên quan vào cuộc sống. Đồng thời, giúp hội viên thay đổi hành vi, thói quen xấu ảnh hưởng đến môi trường, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp để xây dựng  môi trường xanh - sạch - đẹp.
 
 
Để giảm thiểu tác động xấu của môi trường và biến đổi khí hậu, các cấp Hội đã và đang thực hiện những giải pháp như: Bảo đảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng tiết kiệm, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường; chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, trọng điểm là các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, khu vực chăn nuôi tập trung; trồng và chăm sóc cây xanh chắn cát, chống xói lở; ngăn chặn nạn phá rừng; sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị; hạn chế sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính; phân loại chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt…
 
 
Tại Đồng Tháp, hàng năm Hội ND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, nắm bắt thực trạng môi trường nông thôn; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trong chung tay thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.
 
 
Thực hiện chương trình nước sạch sinh hoạt cho người dân tại các xã nông thôn mới, Hội ND tỉnh phối hợp vận động, hỗ trợ trên 90% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và 90% số hộ gia đình hội viên, nông dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp vận động trên 6.400 hộ bị ảnh hưởng sạt lở khu vực ven sông Tiền, kênh rạch di dời đến khu vực an toàn; trên 90% số hội viên, nông dân thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt theo quy định.
 
 
Hàng năm, các cấp Hội còn xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn mô hình điểm tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Đến nay, Hội ND tỉnh đã đầu tư 13 mô hình điểm “Thu gom bao bì chai lọ thuốc bảo vệ thực vật”, lắp đặt 750 hố rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 1 nhà chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng 6 mô hình điểm chi Hội ND “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”. Ngoài ra, Hội ND các cấp phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiều mô hình như: Nông dân tự quản thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư trên địa bàn nông thôn; mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình; mô hình hầm khí biogas; áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi...
 
 
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp, Hội ND các cấp trong tỉnh tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình đạt hiệu quả; tham gia mô hình cánh đồng lớn...
 
 
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, các cấp Hội phấn đấu có trên 3.500 cơ sở Hội xây dựng được ít nhất một mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về khắc phục hậu quả thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra; phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác lớn, có tiềm năng, các đối tác nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam để khai thác nguồn lực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vương Gia
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn