Cấp thiết nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn
09:03 - 28/08/2019
(MTNT)- Hiện nay 88,5% dân số nông thôn nước ta được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó khoảng 49% được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về tỉ lệ người dân được cấp nước sạch, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Tính bền vững của công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, đặc biệt tại các tỉnh miền núi.
88,5% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT), nước ta có trên 16.000 công trình cấp nước sạch tập trung, nhưng gần 30% trong số đó hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không hoạt động.
 
 
Tỉnh Lào Cai hiện có 1.028 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó 339 công trình hoạt động bền vững, 411 công trình hoạt động ở mức trung bình, 221 công trình hoạt động kém hiệu quả và 57 công trình không hoạt động.
 
 
Trong tổng số 1.028 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chỉ có 143 công trình thu được tiền sử dụng nước, chiếm tỷ lệ 13,9%, với mức thu bình quân từ 1.500 - 3.000 đồng/m3, 885 công trình không thu tiền nước theo quy định. Phần lớn các công trình không thu đủ hoặc không thu được tiền sử dụng nước, nên gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động, nhất là chi thù lao cho người quản lý, vận hành, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng và thiếu nước.
 
 
Hiện Quảng Ngãi có 469 công trình nước nông thôn tập trung, trong đó có 33 công trình hoạt động bền vững (chiếm khoảng 8%), 217 công trình hoạt động trung bình, 92 công trình hoạt động kém hiệu quả, 127 công trình không hoạt động.
 
 
Tỉnh Khánh Hòa có hơn 5% dân số thiếu nước, chất lượng nước sạch quy chuẩn quốc gia mới đạt 40%. Toàn tỉnh có 75 công trình cấp nước tập trung tại nông thôn, miền núi, trong đó có 2 công trình không hoạt động.
 
 
Tại một số tỉnh Tây Nguyên, nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn theo các chương trình khác bị hỏng, nguyên nhân là do mục tiêu đầu tư, quá trình thực hiện đầu tư, phân cấp quản lý không chặt chẽ, công trình hư hỏng nhưng không được kịp thời sửa chữa do công tác quản lý vận hành. Mặt khác, do thu nhập của bà con còn thấp và không đồng đều nên nguồn thu phí sử dụng nước sạch thấp, không đủ kinh phí để vận hành công trình. 
 
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước trong khi nguồn vốn này lại không đáp ứng đủ nhu cầu trong việc cấp nước sinh hoạt. Trong khi việc xã hội hóa nước sạch nông thôn luôn là khó khăn lớn đối với các cấp chính quyền và doanh nghiệp do chi phí đầu tư cho nhà máy cấp nước rất lớn, trong khi thu hồi được nguồn vốn để có lãi, duy trì công trình hoạt động bền vững lại mất nhiều năm, vì vậy, doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư. Những vùng thiếu nước sạch chủ yếu là các xã miền núi, khó thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa và hợp tác công tư (PPP).
 
 
Phần lớn công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được xây dựng từ lâu, nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm lưu lượng, dẫn đến công trình thiếu nguồn nước vào mùa khô.
 
 
Bên cạnh đó, do công tác quản lý, khai thác sử dụng của cộng đồng thôn, bản không chặt chẽ, những hư hỏng nhỏ không kịp thời sửa chữa dẫn đến công trình xuống cấp.
 
 
Để hoàn thành mục tiêu chung về nước sạch, cần đa dạng hóa nguồn kinh phí, trong đó xã hội hóa nguồn lực tài chính là trọng tâm thông qua vận động và tổ chức, tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự tham gia của nhân dân, các thành phần kinh tế và toàn xã hội đầu tư vào nước sạch vệ sinh môi trường; đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.
 
 
Để từng bước nâng cao hiệu quả của các công trình cấp nước tập trung nông thôn, thời gian tới cần xây dựng Nghị định về Quản lý, khai thác và vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng định mức chi phí quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn.
 
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình quản lý các công trình cấp nước tập trung tại các địa phương; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình; đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh khung giá nước đảm bảo thu đủ chi phí vận hành công trình cấp nước tập trung; thực hiện nghiêm túc việc cấp bù giá nước theo quy định.
 
 
Bên cạnh có, cần có giải pháp quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi dọc theo lưu vực sông xả vào nguồn nước và việc suy thoái cả về chất lượng và trữ lượng.
 
 
Đặc biệt phải đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa trong tầm nhìn, qui hoạch được mức độ ô nhiễm nguồn nước và đưa vào việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong việc tạo và dự trữ nguồn nước, xử lý nước, tái sử dụng nguồn nước...

Hà Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn