Báo động tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt
11:19 - 18/04/2018
(MTNT) - Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Mỗi ngày cơ thể cần từ 2 – 3 lít nước dưới hình thức hơi nước trong khi thở, nước uống trực tiếp và nước có trong thức ăn, cơ thể người thiếu nước sẽ không chuyển hóa được các chất, làm tích tụ các chất cặn bã, gây ngộ độc. 
Nước sạch có vai trò của nước sạch đối với cuộc sống con người


Nước mang muối khoáng và một số chất vi lượng cần thiết cho cơ thể, giúp đào thải cặn bã và các chất độc hại ra khỏi cơ thể.


Tuy nhiên, khi bị ô nhiễm sẽ trở thành mối nguy hại to lớn đối với sức khỏe con người bởi nước là môi trường mang theo rất nhiều vi trùng và chất độc gây ra các bệnh tả, lị, thương hàn, mắt hột và các bệnh phụ khoa khác.


Ngoài các nhu cầu về ăn uống, sinh hoạt, nước sạch còn được dùng cho sản xuất chế biến, chữa cháy và các nhu cầu dịch vụ kinh doanh khác, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị.


 Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người  đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt.


Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như: Nước ngầm sâu, nước mưa, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng.


Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng.


Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo.


Theo báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng nước cấp từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đa số các nhà máy nước đều có chỉ tiêu chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cho phép.


Tuy nhiên, một số nhà máy nước thường gặp một số chỉ tiêu không đạt như: Hàm lượng nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép có thể do chất lượng nguồn nước khai thác bị ô nhiễm hoặc quy trình xử lý nước không đảm bảo hay do mạng lưới đường ống rò rỉ. Hàm lượng clo dư thấp do quy trình xử lý nước và mạng lưới phân phối không đảm bảo, bị rò rỉ hoặc do chưa đảm bảo hàm lượng clo dư trong mạng lưới. 

 
Theo thống kê của Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện cả nước mới có 43,5% dân số được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, còn 56,6% phải sử dụng nước từ các công trình cấp nước nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, 51% người dân chưa được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn.


Trong công tác quản lý và vận hành các công trình cấp nước tập trung, 33,5% công trình hoạt động bền vững, 29% công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.


Thời gian qua, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra đột xuất chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại một loạt các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Gia Lai.


Trong quá trình kiểm tra, Bộ Y tế cũng đã tổ chức lấy các mẫu nước tại các nhà máy nước, trạm cấp nước và các hộ gia đình để xét nghiệm đánh giá chất lượng nước.


Kết quả xét kiểm tra cũng phản ánh tương tự như báo cáo của các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phát hiện nước tại khu đô thị Nam Đô, trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không đạt tiêu chuẩn cho phép và đã đề nghị UBND thành phố có các biện pháp chỉ đạo dừng cấp nước và khắc phục ngay các sự cố để đảm bảo cung cấp nước an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.               


Các yếu tố gây ô nhiễm  nguồn nước thường thấy gồm: Do ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước (chất độc hóa học, sự đốt cháy nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ khu dân cư, bệnh viện, sử dụng hóa chất trừ sâu trong nông nghiệp).
 

Do vi sinh vật: 80% các bệnh nhiễm trùng liên quan đến nước (đặc biệt là các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường ruột). Do nhiễm độc hóa chất vào nguồn nước trong quá trình sử dụng: như kim loại nặng (Chì (Pb), Đồng (Cu), Thạch tín (As), các chất phóng xạ, các chất gây ung thư vượt nồng độ tiêu chuẩn cho phép.

 
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, người dân cần phải nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác bừa bãi, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn; cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.


Bên cạnh đó giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như nước dội vào nhà vệ sinh, tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp.


Các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho nhân dân; ổn định việc cung cấp nước sạch trên mạng lưới hiện có và sử dụng các nguồn lực để tăng cường chống thất thoát, thất thu; đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục, quản lý cụ thể, phù hợp.


Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất kinh doanh nước sạch và bản thân mỗi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt hãy trân trọng và bảo vệ nguồn sống của chính mình.

 

Long Vui
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn