|
Các làng nghề trên cả nước đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng |
Môi trường không khí cũng bị ô nhiễm, chủ yếu từ sử dụng than làm nhiên liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất do khí thải chứa các thành phần đặc trưng là bụi, CO
2, CO, SO
2… chất hữu cơ bay hơi.
Ngoài ra, trong quá trình tái chế và gia công cũng phát sinh các khí độc như hơi axit, kiềm, oxit kim loại và ô nhiễm nhiệt điện. Hàm lượng bụi ở khu vực sản xuất vật liệu xây dựng tại một số địa phương vượt quá quy chuẩn Việt Nam từ 3 - 8 lần, hàm lượng SO
2 có nơi vượt 6,5 lần.
Hiện, có tới 60% các làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định…; khu vực miền Trung có khoảng 23,6% làng nghề, tập trung tại các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế; khu vực miền Nam có khoảng 16,6% làng nghề, tập trung chủ yếu ở các thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Đặc biệt, kết quả khảo sát cho thấy, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng không khí, nước, đất; có 27% ô nhiễm vừa. Đối với nước thải làng nghề, hàm lượng các chất ô nhiễm vượt chục lần cho phép, tập trung chủ yếu tại các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy, sơn mài…
Đánh giá về hoạt động của các làng nghề, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, có 72% làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Quy trình sản xuất thô sơ, tiêu hao năng lượng, sử dụng nhiều sức lao động trình độ thấp.
Đáng lo ngại, hầu hết các địa phương chưa chú trọng, ưu tiên đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề, do đó phần lớn các cơ sở trong làng nghề không có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không có hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn và chây ỳ trong thi hành quyết định xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư đã được tổ chức thực hiện, song hiện nay việc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung lại như một hình thức giãn dân, mở rộng vùng ô nhiễm.
Trong thời gian tới, các làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục gia tăng và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển kinh tế cũng cần phải chú trọng đến việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở các khu vực này.
Theo đó, để các làng nghề phát triển một cách bền vững, điều cốt lõi là cần kiểm soát được tốc độ phát triển phù hợp với khả năng xử lý các tác động của sản xuất. Đặc điểm của sản xuất tại các làng nghề là nhỏ lẻ và thủ công truyền thống, vì vậy việc phát triển ồ ạt sẽ tạo nên sự mất cân đối trong chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm, lao động và xử lý môi trường.
Cần tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề ô nhiễm môi trường.
Theo đó, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý môi trường hiệu quả. Thực hiện lồng ghép đề án bảo vệ môi trường làng nghề vào các chương trình, đề án có liên quan.
Đẩy mạnh việc thực hiện tốt công tác quy hoạch như: Quy hoạch làng nghề gắn với du lịch; quy hoạch khu vực sản xuất tập trung để di dời các công đoạn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; quy hoạch sản xuất trong làng nghề: bao gồm các hoạt động hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu và trung bày các sản phẩm, quy hoạch không gian phục vụ hoạt động tham quan trong làng; tăng cường đội ngũ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách hiện có để nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, làng nghề.