45% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế
10:47 - 26/07/2017
(MTNT)- Đến nay, nước ta đã có 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có nước sạch để dùng theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02-BYT của Bộ Y tế chỉ đạt 45%, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc. 
Tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa chất lượng nguồn nước (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Theo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối năm 2016, khu vực nông thôn Hà Nội hiện vẫn còn 61% hộ dân chưa được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn (gần 2,5 triệu người).
 
 
Việc người dân còn phải sử dụng nước ao, nước giếng khoan không chỉ tập trung ở khu vực các huyện phía tây thành phố mới sáp nhập về mà ngay cả các huyện như Đông Anh, Sóc Sơn nhiều nơi, người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, da liễu…
 
 
Điển hình nhất, theo công bố gần đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) và thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) có 2/10 làng có chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất Việt Nam.
 
 
Tại một số địa phương ven sông Nhuệ như các xã Cự Khê (huyện Thanh Oai), Tiền Phong (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa)… chất lượng nước đều không đạt tiêu chuẩn. Nhiều mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi.
 
 
Bước vào mùa khô hạn, nhiều giếng khoan, giếng khơi bị cạn kiệt, nông dân các xã Trung Hòa, Trường Yên (huyện Chương Mỹ), Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)… phải mua nước sinh hoạt.
 
 
Điều đáng nói, trong số các công trình cấp nước sạch được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì không ít công trình hoạt động không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí bởi lý do quản lý yếu kém.
 
 
Công trình cấp nước thôn Hương Canh được UBND huyện Ba Vì đầu tư xây dựng năm 2009 và bàn giao cho xã Khánh Thượng (sau đó UBND xã giao cho cộng đồng quản lý) đưa vào sử dụng năm 2010. Công trình có công suất 200m3/ngày - đêm, cấp nước cho 100 hộ dân. Tuy nhiên, do là trạm cấp nước tự chảy, sử dụng nguồn nước mặt từ suối, không có hệ thống khử trùng, cụm đầu mối không được vệ sinh thường xuyên... dẫn tới mạng lưới đường ống xây dựng lâu năm bị hoen gỉ, tỷ lệ thất thoát nước cao. Thêm nữa, vì được quản lý bởi cộng đồng nên không có cán bộ chuyên trách vận hành, không có vốn để tái đầu tư và sửa chữa nên công trình ngày một xuống cấp trầm trọng.
 
 
Không riêng Khánh Thượng, trên địa bàn huyện Ba Vì có 16 công trình cấp nước thì 7 trạm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, 5 cái khác đã ngừng hoạt động do hư hỏng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, do đặc thù địa hình đồi núi, mạng lưới đường ống chịu sự ảnh hưởng lớn của các yếu tố thiên nhiên, đơn cử như sau một trận mưa lớn có thể gây tắc đường ống. Hơn nữa, hầu hết trạm cấp nước này được đầu tư theo Chương trình 134, 135 cho đồng bào dân tộc miền núi, không thu tiền nước của nhân dân nên không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa... dẫn đến xuống cấp và nhanh chóng rơi vào tình trạng hoạt động kém.
 
 
Đến hết năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 119 công trình cấp nước tập trung từ nhiều nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn, Chương trình 134, Chương trình 135, vốn vay Ngân hàng thế giới, vốn doanh nghiệp tự đầu tư). Trong số đó, hiện có 86 công trình hoạt động nhưng không đồng đều; còn lại, 11 trạm đang được xây dựng, 22 công trình xây dựng dở dang từ nhiều năm nay hoặc đã từng hoạt động nhưng hiện xuống cấp trầm trọng.
 
 
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, 55% dân số sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, một số trở ngại trong việc cấp nước sạch nông thôn hiện nay là chúng ta chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp vùng, miền, đối tượng. Việc cấp nước không bền vững, chất lượng nước còn dễ bị ô nhiễm vì cấp nước nhỏ lẻ là chủ yếu (chiếm gần 60%). Mặt khác, nguồn hỗ trợ quốc tế cho cấp nước sạch nông thôn giảm.
 
 
Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa chất lượng nguồn nước, đặc biệt là trường hợp xảy ra thiên tai, nhiều nơi khó tiếp cận nguồn nước sạch. Ô nhiễm môi trường nước có xu thế ngày càng tăng, trong khi ở một số khu vực (như Tây Nguyên), việc quản lý và vận hành công trình thiếu bền vững và chậm khắc phục.
 
 
Ông Đỗ Văn Thành – Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thuỷ lợi) cho hay: Hiện nay, chúng ta có tổng cộng 16.342 công trình cấp nước sạch tập trung, nhưng chỉ có 33,5% công trình hoạt động bền vững; 37,8% hoạt động trung bình và 28,7% hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Trong đó, số công trình cấp nước nhỏ lẻ hợp vệ sinh chiếm tới 56,5% dân số nông thôn.
 
 
Để tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận với nước sạch, góp phần hoàn thành tiêu chí nước sạch theo chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần lồng ghép đầu tư xây dựng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cấp nước, cũng như thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch.
 
 
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn theo phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và trường học tổ chức phổ biến, giáo dục, hướng dẫn nhân dân, học sinh tham gia bảo vệ công trình cấp nước, sử dụng nước tiết kiệm và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về cấp nước.

Duy Tiệp
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn