Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước
11:12 - 12/06/2017
(MTNT) - Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, là nguồn sống thiết yếu của con người và tất cả các loài sinh vật trên trái đất. Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay nguồn tài nguyên nước đang bị đe doạ nghiêm trọng. 
Nguồn nước sạch có vai trò quan trọng đối với cuộc sống con người


Nguồn nước ngày càng ô nhiễm và cạn kiệt do trong nhận thức của nhiều người dân, quan niệm nước là “của trời cho” vẫn tồn tại, dẫn đến tình trạng sử dụng nước không hợp lý, thiếu ý thức tiết kiệm, bảo vệ, bảo tồn nguồn nước.


Thiếu nước cho sử dụng và sử dụng nước không bảo đảm chất lượng làm suy giảm sức khoẻ cộng đồng, gia tăng bệnh tật và nghèo đói. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài nguyên nước đang trở thành vấn đề lớn của cộng đồng, trong đó mỗi người dân cần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.


Chúng ta biết rằng, nguy cơ thiếu nước đặc biệt là nước ngọt và sạch là một hiểm họa lớn đối với sự tồn vong của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất. Nước là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể thiếu đối với mọi hoạt động sống của cơ thể. Nước chiếm khoảng 70-75% trọng lượng cơ thể con người.
 

 Nếu thiếu nước sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất dẫn đến khát nước, rối loạn nhiệt độ cơ thể, rối loạn tâm thần. Mỗi người chúng ta cần ít nhất 1,5 lít nước uống mỗi ngày. Nước cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể bởi nó liên quan đến nhiều quá trình sinh hoạt quan trọng. Muốn tiêu hóa, hấp thu sử dụng tốt lương thực, thực phẩm... đều cần có nước.


Nước chiếm khoảng 80% thành phần mô não được cấu tạo bởi nước, việc thường xuyên thiếu nước làm giảm sút tinh thần, khả năng tập trung kém và đôi khi mất trí nhớ. Ngoài ra, nước còn có nhiệm vụ thanh lọc và ngăn ngừa những độc tố gây bệnh ung thư và các loại sỏi đường tiết niệu, bàng quang, niệu quản xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp một cách hiệu quả. 
 

Việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường còn có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống con người và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sử dụng nước sạch còn giúp chúng ta phòng được các loại bệnh qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A và các loại bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa.


 Ngoài ra, con người còn cần nước trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày như: Tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa, bảo quản và chế biến thực phẩm, cứu hỏa và các nhu cầu trong sản xuất khác.


Vậy, nước rất cần thiết cho chúng ta. Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Cho nên, việc bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân.
 

 Hiện nay, vấn đề nguồn nước trên thế giới đang ngày càng khan hiếm, bị ô nhiễm và có thêm nhiều người không thể tiếp cận được nguồn nước sạch dẫn đến bệnh tật, tử vong đang báo động. Hiện nay, nguồn nước bị thất thoát đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí nguồn nước ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra đang làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh.


Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và sút giảm trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác có mục đích như xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao.


Bên cạnh đó, do nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước kém và người dân còn thiếu kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nên đã gây lãng phí nước và kém hiệu quả đối với cây trồng.


Mặt khác, do quan niệm sai lầm "Nước là của trời cho vô tận, không bao giờ cạn", lại không phải trả tiền điện bơm nước, không phải trả tiền nước nên nhiều người sử dụng rất thoải mái nguồn tài nguyên này. 
 

Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc  bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
 

Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc  bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày.


Nếu có thể hãy tái sử dụng lại nước đã qua sử dụng một lần (như nước rửa rau lần cuối, có thể dùng để rửa sơ qua các vật dụng làm bếp trước khi rửa lại bằng nước sạch).


Trong sản xuất công nghiệp, nhất là những nhà máy sử dụng lượng nước lớn, nên áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn trong quá trình sản xuất, vừa  tiết kiệm được lượng nước sạch cung cấp đầu vào vừa giảm thiểu được lượng nước thải ra gây ô nhiễm.


Việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và tái sử dụng lượng nước này vào các khâu dịch vụ khác, cũng sẽ giảm được thêm lượng nước cấp và  giảm bớt phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, cần áp dụng các phương pháp tưới phun, tưới dạng màn sương vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng. 


Không được làm ô nhiễm nguồn nước sông, suối qua việc vứt rác, xác động vật chết xuống nguồn nước, làm nhà vệ sinh trên ao hồ, sông, suối. Không dùng phân tươi, nước thải ô nhiễm để bón tưới rau xanh, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.


Trong mỗi gia đình, khi dùng nước xong nên khóa chặt vòi nước để tránh thất thoát, lãng phí không cần thiết. Tiết kiệm, quản lý, sử dụng và khai thác nước thành công không phải là bài học một sớm một chiều của riêng một cá nhân nào trong xã hội.  
 

 

Bảo An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn