(MTNT) – Hiện nay, môi trường nước ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn. Ở các thành phố lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải. Trong sản xuất nông nghiệp, do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe nhân dân.
|
Việc nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước |
Nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản khiến các thức ăn thừa lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, làm phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độc; thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; việc xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, hố xí...), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế.
Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân.
Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe nguồn nhân lực tại các vùng nông thôn cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thông tư liên tịch quy định cụ thể việc phối hợp, chia sẻ thông tin liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nguồn nước tại các vùng nông thôn. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc sản xuất, buôn bán và sử dụng phân hữu cơ compost, phân vi sinh. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Bổ sung các chế tài xử phạt trong việc kiểm soát môi trường nước tại khu vực nông thôn...
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ứng dụng và phát triển các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mới thân thiện với môi trường; Triển khai các giải pháp trồng cây hay vùng đệm ven sông đối với các khu vực nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn không điểm; Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước vùng nông thôn; Triển khai các phương thức canh tác đất, kiểm soát nước mưa chảy tràn hợp lý cho các vùng miền cụ thể, để giảm thiểu khả năng ô nhiễm do nguồn không điểm...
Nhà nước cần đưa ra các giải pháp trợ giá nhằm khuyến khích giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật; Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, buôn bán phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật. Mặt khác, cần tập trung phân định chức năng, trách nhiệm, nhiệm vụ giữa hai cơ quan: quản lý hóa chất nông nghiệp và quản lý môi trường nước nông thôn, để hình thành mạng lưới quản lý thống nhất. Cần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị cấp trung ương và cấp địa phương; chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng trong các hoạt động sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân.