Hệ thống cấp nước sạch nông thôn còn thiếu bền vững
15:17 - 22/08/2016
(MTNT)- Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMT) vẫn còn tình trạng chênh lệch về tỉ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương và giữa các huyện, xã trong một tỉnh. 
Hệ thống cấp nước sạch nông thôn còn thiếu bền vững (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Theo thống kê của Trung tâm quốc gia NSVSMT nông thôn, hiện có khoảng 16.220 công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 1.804 công trình (chiếm 11%) có chất lượng nước đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.
 
 
Trong khi hàng vạn người dân Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt, thì hàng trăm công trình nước sạch nông thôn đầu tư tiền tỷ lại bỏ hoang, chưa tìm được giải pháp khắc phục.
 
 
Theo kết quả kiểm tra các công trình cấp nước tập trung từ đoàn công tác (gồm các sở NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư), hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 135 công trình thì 46 công trình đã ngưng hoạt động, trong đó 18 công trình hư hỏng nặng không thể khắc phục.
 
 
Điển hình như: Năm 2003 - 2005, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột được chính phủ Đan Mạch tài trợ xây dựng 7 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng số vốn gần 2,7 tỷ đồng, phục vụ nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho 1.153 hộ dân. Khi hoàn thành giao cho địa phương quản lý, vận hành, nhưng chỉ sau vài năm các công trình lần lượt đóng cửa, nay chỉ còn 2 công trình hoạt động ở mức trung bình.
 
 
Theo chương trình mục tiêu quốc gia 134, 135 của Chính phủ, xã Ea Sin, huyện Krông Púk cũng được đầu tư 1,7 tỷ đồng xây dựng 4 công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ 400 hộ dân. Tuy nhiên, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, nước màu đỏ và mùi tanh nên nhiều năm nay người dân vẫn đi gùi nước suối về dùng.
 
 
Theo thống kê từ Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh có 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đầu tư tổng vốn hơn 233 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân. Nhưng đến nay 127 công trình đã bỏ hoang, chiếm hơn 50%, chỉ có 20 công trình hoạt động tốt, 83 công trình còn lại mức trung bình và kém hiệu quả.
 
 
Tại Hà Nội, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của sử dụng nước sạch theo quy chuẩn mới đạt 35,5%. Trong đó, chỉ có 7,7% được dùng từ công trình cấp nước tập trung do thành phố đầu tư, còn lại là từ hệ thống cấp nước đô thị và dân tự lọc bằng các thiết bị lọc nước hộ gia đình.
 
 
Theo thống kê của Sở NN& PTNT, những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng 110 công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, nhưng chỉ có 83 công trình hoạt động ổn định, 23 công trình không hoạt động, 4 công trình thành phố cho phép thanh lý thu hồi tài sản hoặc dừng đầu tư. Đáng buồn, nhiều công trình được đầu tư hàng tỷ đồng bị "đắp chiếu" trong khi dân "khát nước".
 
 
Ngoài các công trình xây dựng không hoạt động, những công trình đang hoạt động ổn định thì hiệu suất cung cấp cũng rất thấp, tỷ lệ thất thoát cao. Trung bình các trạm cấp nước chỉ đạt 75% so với công suất thiết kế, một số trạm hoạt động cầm chừng, theo mùa bởi nhu cầu dùng nước của người dân chưa cao (phải đóng phí) hoặc do các trạm chưa hoàn thành thi công mạng đường ống cung cấp cho người dân. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước trung bình 30% (nơi thấp nhất là 10%, cao nhất 70%) vì các công trình xây dựng từ lâu, hệ thống đường ống không được đầu tư, cải tạo...
 
 
Nguyên nhân khiến công trình cấp nước tập trung bị bỏ hoang là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, đội ngũ quản lý và vận hành không có chuyên môn, không đề ra được quy chế hoạt động cụ thể, không xây dựng được nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình thường xuyên, nhiều công trình xây dựng ở khu vực không có điện, chất lượng nước không bảo đảm…
 
 
Giám đốc Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMT) Lê Thiếu Sơn cho biết: Mục tiêu đến năm 2020 của chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn là tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày.
 
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng hướng đến mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 90% người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… việc tăng cường quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công về nước sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng.
 
 
Theo đó, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả, phân loại từng công trình, nơi nào khả thi thì đề xuất UBND tiếp tục đầu tư, hoặc kêu gọi xã hội hóa, nơi nào không hiệu quả thì đề xuất phương án dừng đầu tư và tất toán. Về lâu dài, thì nên đấu nối với hệ thống nước sạch đô thị, bởi khả năng vận hành của xã, thôn không bảo đảm, thất thoát rất lớn.
 
 
Để làm được điều này phải tăng cường huy động nguồn vốn khu vực tư nhân. Trong đó, phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung thay đổi nhận thức người dân và đổi mới thể chế, tạo động lực để khu vực tư nhân tham gia với chính sách đồng bộ, quy trình triển khai minh bạch.
 

Thế Hiệp
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn