Người dân nông thôn vẫn thiếu nước sạch
17:14 - 25/05/2016
(MTNT)- Nước sạch luôn là nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các hộ dân ở nông thôn hiện chiếm 67% dân số cả nước nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về môi trường. Trong đó, ô nhiễm nước sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối.
"Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”-Chiến lược QG cấp NS và VSNT đến năm 2020 (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

 
Do điều kiện kinh tế thấp, nhiều hộ gia đình ở nông thôn vẫn sử dụng nước sông, ao hồ kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Theo thống kê, khoảng 90% dân cư Việt Nam bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất. Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.
 
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước đã có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, vùng có số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh cao nhất tiếp tục là Đông Nam Bộ với 94,5%, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) 91% và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 88%. Tỷ lệ số dân được tiếp cận nước hợp vệ sinh thấp nhất ở vùng Bắc Trung Bộ (81%) mặc dù đây là vùng có số hộ ở nông thôn cao thứ 4/7 vùng trong toàn quốc.
 
 
Kết quả thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia đã cho thấy, tỉ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng đáng kể qua các năm (84,5% năm 2014 so với 32% năm 1998), tuy nhiên tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch còn rất thấp, mới chỉ đạt 42% theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (QCVN 02/2009/BYT).
 
 
Trong số 84,5% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh, cũng chỉ có khoảng 32% hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại là từ các công trình nhỏ lẻ như: Giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa... Việc kiểm tra, đảm bảo chất lượng nước cấp từ các nguồn nêu trên cũng đang cho cho thấy nhiều vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết.
 
 
Thống kê của Ủy ban quốc gia về nước sạch và vệ sinh an toàn môi trường nông thôn cho biết, cả nước hiện có khoảng 16.000 công trình nước sạch tầm trung, trong đó 25% số công trình này hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, tập trung chủ yếu ở 20 tỉnh thành thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
 
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, mặc dù, vấn đề chất lượng nước sinh hoạt nông thôn đã được quan tâm trong những năm gần đây nhưng thực tế, năng lực và nguồn lực cho kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Đến nay, mới chỉ có khoảng gần 50% các Trung tâm Nước sạch và VSMT tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước, nguồn kinh phí hàng năm dành cho hoạt động này cũng còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều dự án nước sạch do Nhà nước đầu tư không đạt hiệu quả mong muốn. Còn ở khu vực nông thôn, người dân vẫn chưa được hưởng lợi ích chính đáng từ các công trình này mang lại.
 
 
Tại Hà Nội, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn mới đạt 35,5%. Trong đó, chỉ có 7,7% được dùng từ công trình cấp nước tập trung do thành phố đầu tư, còn lại là từ hệ thống cấp nước đô thị và dân tự lọc bằng các thiết bị lọc nước hộ gia đình.
 
 
Thành phố đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng các công trình cấp nước tập trung nhưng một số công trình không khai thác được, hoặc khai thác không hiệu quả; cơ chế vận hành, đơn giá nước không thống nhất.
 
 
Tại Hải Phòng, kết quả kiểm tra Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hải Phòng về chất lượng nước của 100 nhà máy nước sạch nông thôn cho thấy, có 95 nhà máy có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, 56% số mẫu nước có nồng độ clo dư không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, 1 nhà máy ở huyện An Dương phải đóng cửa.
 
 
Nguyên nhân là nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước bị ô nhiễm do các loại nước thải sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp đổ ra mương máng rồi lại lấy nước đó xử lý cho người dân dùng. Trong khi đó, công nghệ của các nhà máy chỉ là lắng lọc nên không thể xử lý được các loại hóa chất hòa tan, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng…
 
 
Điển hình như: Tại nhà máy nước sạch Trung Thu ở làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng), người dân phản ánh nước có mùi hôi, cặn bẩn. Tình trạng này khiến nhiều nhà trong thôn phải mua máy lọc nước để lọc lại hoặc xây bể nước mưa, có nhà quay về dùng nước giếng khoan.
 
 
Tại Quảng Bình, những năm gần đây, nhu cầu dùng nước từ các công trình cấp nước sạch của người dân nông thôn tỉnh tăng lên nhiều. UBND tỉnh sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư xây mới thêm nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 103 công trình cấp nước sạch nông thôn, cung cấp phục vụ cho hàng chục ngàn nhân nhẩu trên địa bàn. Thế nhưng sau một thời gian đưa vào hoạt động, đã có gần 50% số công trình này bị xuống cấp, hư hỏng và nhiều công trình không hoạt động được. Trong đó: 26 công trình không hoạt động, 14 công trình hoạt động kém hiệu quả, 36 công trình hoạt động trung bình, chỉ có 14 công trình được đánh giá bền vững.
 
 
Còn tại xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), công trình cấp nước sạch nông thôn, công trình nước sinh hoạt Khe Táu được xây dựng từ năm 2007 từ nguồn vốn chương trình 135 và công trình nước sinh hoạt Khe Trồi xây dựng năm 2008 tù nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Hai công trình nước sạch này là nước tự chảy, nên lấy nước từ các con suối trong rừng dẫn về bể lắng, bể chứa. Nguồn nước ngày càng cạn đi nhiều, mà kinh phí nạo vét hồ chứa đầu nguồn thì không có nên khi mưa lũ về, đất đá trôi bồi lắng hết hồ chứa. Khoảng cách từ hồ chứa đầu nguồn cách xa công trình bể chứa, bể lắng nên ống dẫn nước thường bị mưa lũ làm hư hỏng, đứt gãy. Hiện công trình nước sạch Khe Táu bị hỏng van khóa bể chứa và đường ống dẫn nước bị xuống cấp, thân đập hồ chứa bị bồi lấp, thẩm thấu mà không có kinh phí để khắc phục sửa chữa.
 
 
Tại Đồng Nai, đến nay tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 100%. Tuy nhiên, nhiều huyện, xã trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có công trình nước sạch công cộng, người dân chủ yếu hoàn toàn sử dụng nước từ nguồn giếng khoan. Nguồn nước này đều do người dân tự đào, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng. Những nơi phải khoan sâu mới có nước hoặc nước nhiễm phèn, hoặc không đạt chất lượng thì người dân tự bỏ tiền đầu tư hệ thống máy lọc. Với tình trạng ô nhiễm môi trường từ khu công nghiệp hoặc hoạt động chăn nuôi như hiện nay, người dân không khỏi lo lắng về chất lượng nguồn nước từ hệ thống giếng đào, giếng khoan.
 
 
Tại Thanh Hóa, hơn 7 năm qua, gần 1.000 hộ dân ở một số thôn của các xã Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thái thuộc huyện Quảng Xương phải đi hàng km chở nước sinh hoạt trong khi giếng nước khoan phải bỏ phí vì nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các hồ nuôi tôm trên cát.
 
 
Theo kết quả quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt của người dân nông thôn, có tới 61/74 xã trong khu vực điều tra nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó tập trung ở các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc…
 
 
Tại Thái Bình, người dân xã Đông Quang (huyện Đông Hưng) vẫn phải mòn mỏi chờ nước sạch, mặc dù tỉnh đã phê duyệt cho doanh nghiệp đầu tư cấp nước sinh hoạt cho địa phương, điển hình như Xã có gần 2.000 hộ với khoảng 5.900 nhân khẩu, hiện nay chưa có hộ dân nào trong xã được dùng nước sạch do công ty sản xuất, kinh doanh về nước cung cấp. Các hộ dân ở đây chủ yếu dùng nước giếng khơi và giếng khoan nên chất lượng không bảo đảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt. Mặc dù dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước, cung cấp nước sinh hoạt cho 6 xã của huyện Đông Hưng (Đông Động, Đông Quang, Đông Hà, Đông Xuân, Đông Vinh, Đông Các) với tổng công suất 10.500m3/ngày đêm do Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo đã cung cấp nước sạch cho 5 xã (Đông Động, Đông Các, Đông Vinh, Đông Xuân, Đông Hà) với tổng số đồng hồ đo nước lắp đặt đến hộ dân là 4.562 chiếc nhưng riêng xã Đông Quang người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch.
 
 
Nguyên nhân dẫn tới hiện trạng trên, bà Hạ Thanh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết: “Hiện nay, các công trình cung cấp nước sạch đang chịu sự tác động rất nhiều của biến đổi khí hậu. Hầu hết công trình đều có nguồn nước cạn kiệt, có nơi không còn tồn tại. Nguyên nhân thứ hai là do trình độ dân trí, mô hình cộng đồng quản lý có nhiều bất cập, không đảm bảo tính bền vững. Yếu tố thứ ba là bởi năng lực quản lý vận hành còn nhiều tồn tại bất cập nên ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của các công trình sau đầu tư".
 
 
Thực tế đã cho thấy, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây nhiều hệ lụy đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân. Chiến lược Quốc gia cấp Nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 xác định rõ mục tiêu:"Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”. Vì vậy, trong thời gian tới cùng với nâng cao hiệu quả sử dụng, công suất của các trạm cấp nước cũ, việc huy động thêm nguồn vốn và sự đóng góp của cộng đồng xã hội và người dân để tiếp tục xây dựng, bảo dưỡng và nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước là việc làm rất cấp thiết. Chương trình mục tiêu nước sạch thực sự là bước ngoặt đảm bảo cho các địa phương hoàn thành tiêu chí về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, tạo đà thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.
 
Theo định nghĩa hiện nay thì nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau lọc thoả mãn các yêu cầu chất lượng: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi.

Nước uống hay nước sạch là các loại nước đủ độ tinh khiết tối thiểu để con người hoặc các loài động vật, thực vật có thể uống, tiêu thụ, hấp thu hoặc sử dụng mà ít gặp nguy cơ tác hại trước mắt hoặc về lâu dài (tiêu chuẩn Bộ y tế, QCVN 02:2009/BYT).
 
Nước sạch là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về chất lượng cuộc sống.

Võ Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn