(MTNT) - Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, hiện nay, nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt khi nguồn nước suy giảm, ảnh hưởng lớn tới công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
|
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá thì lượng nước thải sinh hoạt chiếm khoáng 350.000 – 400.000m3 mỗi ngày và hơn 1.000m3 rác mỗi ngày được thải ra ở khu vực Hà Nội, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều không qua xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi. Hiện chỉ có 5/31 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải; 36/400 cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải.
Cụ thể, nước sông đang bị ô nhiễm xảy ra trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông La Khê và nhiều tuyến sông, kênh mương khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông là do nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực dân sinh… chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng đã xả vào hệ thống công trình thủy lợi.
Sông Cầu Bây đang là nguồn cung cấp và nơi thoát nước cho canh tác nông nghiệp ở một số phường, xã thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, sông Cầu Bây hiện đã bị ô nhiễm nặng nề vì hàng ngày đang tiếp nhận một lượng nước thải lớn chưa xử lý (nước thải sinh hoạt của các khu vực dân cư Long Biên, Gia Lâm, nước thải công nghiệp từ các KCN hai bên sông). Hiện nay, sông Nhuệ đang phải hứng chịu nguồn nước thải sinh hoạt từ sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu đổ về. Ngoài ra, nước thải từ các nhà máy, cơ sở chế biến và từ các khu đô thị mới như Văn Quán, Linh Đàm chưa qua xử lý đổ thẳng ra sông. Bên cạnh đó, người dân cũng vứt rác thải trực tiếp ra bờ sông. Vì vậy, sông Nhuệ càng ô nhiễm nặng một phần cũng do chính người dân sống xung quanh gây ra.
Còn theo kết quả của dự án “Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” di trường đại học Tokyo (Nhật Bản)phối hợp với trường đại học Xây dựng Hà Nội vừa công bố thì có 10% nước thải đô thị chưa qua công đoạn xử lý, 36% nước thải chưa qua xử lý cũng đổ ra các hồ. Trong khi đó hiện nay, nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân. Dự án cũng cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt của một số sông chính như Sông Hồng, Đuống, Đáy không đảm bảo, thiếu tính ổn định, khó kiểm soát được ô nhiễm mà trong đó có nguyên nhân nhà máy xử lý nước thải hoạt động kém hiệu quả.
Đến nay, Hà Nội có khoảng 6 trạm xử lý nước thải với tổng công suất khoảng hơn 260.000m3/ ngày – đêm đang hoạt động và dự kiến 5 trạm xử lý nữa đang được đầu tư xây dựng với tổng công suất gần 400.000m3/ ngày – đêm. Tuy nhiên, để giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước một số chuyên gia cho rằng, lượng nước thải chưa qua xử lý của Hà Nội ngày càng tăng do áp lực dân cư tại các khu đô thị. Vì vậy, về lâu dài cần có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước bằng cách kiểm soát lượng nước thải từ nhà máy, bệnh viện. chất thải, nước thải sinh hoạt. Riêng đối với hệ thống sông ngòi cần phải nạo vét, làm trong nguồn nước chảy qua.
Để từng bước quản lý tình trạng xả thải bừa bãi, Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường sự phối hợp, vận động tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, cũng như có biện pháp xử lý nước thải trước khi xả vào môi trường và hệ thống công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền cơ sở cần có biện pháp xử lý triệt để đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp thủy lợi thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, lập biên bản và đề nghị chính quyền cơ sở ở các quận, huyện, thị xã có biện pháp với các cơ sở sản xuất để giảm thiểu việc xả thải chưa qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có các văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị phối hợp, xử lý các tổ chức, cá nhân trực tiếp xả thải không qua xử lý vào công trình thủy lợi, tuy nhiên hiệu quả đạt được còn rất thấp.