Cấp bách trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại nông thôn
09:40 - 07/09/2015
(MTNT) - Trong những năm gần đây, làng quê nước ta ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng bởi nước và rác thải sinh hoạt. Khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một cải thiện thì cũng đồng nghĩa với việc rác thải ngày một nhiều. Rác thải sinh hoạt được người dân mang ra đổ ở mương máng, ao hồ quanh làng. Do khi đó, rác vẫn còn chưa nhiều và chủ yếu là rác hữu cơ nên qua nhiều năm vẫn chưa nhìn thấy sự ô nhiễm đáng kể nào!
Ô nhiễm rác thải ở vùng nông thôn Việt Nam đang trở nên đáng báo động và rất cần các biện pháp hiệu quả để xử lý. Ảnh minh họa

Quả thực, về bất cứ một làng quê nào, cũng có thể  gặp ngổn ngang những bãi rác tự phát. Rác tràn xuống ruộng, rác lấp ao, hồ và rác “bao vây” cả các khu dân cư. Mùi xú uế của rác thải khiến cho môi trường sống của chính người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có những bãi rác chỉ cách phòng ngủ, quán hàng ăn, khu vui chơi giải trí của trẻ em chưa đầy…20 mét.  


Hiện nay với quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông thôn Việt Nam đã có bước chuyển đổi quan trọng tạo ra hướng phát triển mới phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Những phương pháp sản xuất tiên tiến được áp dụng trong nông nghiệp đã nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều ngành kinh tế mới, mở rộng sản xuất, tận dụng được hết những lợi thế của nông thôn.


Tuy nhiên kéo theo đó là sự phát sinh không ít vấn đề đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường ở nông thôn chủ yếu do sản xuất nông nghiệp, rác thải sinh hoạt và ô nhiễm do làng nghề gây ra. Sự phát triển của nông nghiệp cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm ở nông thôn, nhất là vấn đề sử dụng phân bón trong nông nghiệp có tác động xấu đến môi trường tự nhiên.


Ngoài rác thải ra thì môi trường sống ở nông thôn cũng đang bị “tấn công” bởi nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Nếu như nước bề mặt quanh làng, xóm đen ngòm vì chính lượng nước thải sinh hoạt của người dân hàng ngày trực tiếp đổ ra, thì nước ngầm cũng đã và đang có dấu hiệu “bẩn” rất nhanh.


Từ rác thải, nước thải trên bề mặt như vậy nên việc nước ngầm bị ô nhiễm là điều hiển nhiên, vì qua nhiều năm tháng, sự ô nhiễm cứ ngấm xuống để rồi người dân vẫn phải hút nước ngầm lên sử dụng và sẽ khó lòng tránh được bệnh tật cùng nhiều ảnh hưởng về sức khoẻ khác…


Để môi trường ở các làng quê được cải thiện và cuộc sống của người dân đỡ “ngột ngạt” vì ô nhiễm thì chính quyền các tỉnh, thành phố cần có những hoạch định lâu dài cho vấn đề này. Có thể thành lập các đội thu gom rác thải sinh hoạt từ cấp xóm, thôn trở lên rồi đem số rác thu gom được hàng ngày chôn lấp tại một bãi rác quy hoạch. Tuyệt đối không để cho tình trạng dân đổ rác bừa bãi và nếu ai không tuân thủ thì địa phương có thể áp dụng hình thức phạt tiền, cảnh cáo để răn đe.


Về vấn đề nước thải sinh hoạt, cũng có thể vận động dân góp vốn, cùng với ngân sách địa phương để xây mới hệ thống cống ngầm thoát nước. Từ hệ thống cống ngầm này, nước thải phải được đưa ra xa thôn, xóm và hoà vào hệ thống tiêu thoát nước lớn của vùng để hạn chế ô nhiễm tới mức thấp nhất cho nguồn nước ngầm.


Giải pháp để bảo vệ môi trường nông thôn thông dụng nhất hiện nay mà các hộ gia đình cần làm là nên có thùng chứa rác và tự phân loại rác, chôn lấp hoặc bỏ đúng nơi quy định để đội vệ sinh mang đi chôn lấp hoặc xử lý tập trung để làm phân hữu cơ bón cho cây, hoặc đồng ruộng. Nước thải và phân trong chăn nuôi cần được xử lý bằng cách xây hầm biogas, phân phải được ủ trước khi sử dụng, không thải trực tiếp nước, phân và chất thừa thải thẳng ra môi trường. Trong sản xuất nông nghiệp, nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hãy thu vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý. Nên tăng cường sử dụng phân xanh, phân hữu cơ tại chỗ kết hợp với phân hoá học, không nên dùng phân tươi bón trực tiếp cho rau xanh, hoa mầu để phát tán ra môi trường.


Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế toàn tỉnh, kinh tế nông thôn cũng đang trong giai đoạn chuyển mình để phát triển. Sự phát triển đó đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Do vậy, vấn đề rác thải nông thôn đang rất cần đến sự quan tâm đúng mức của các cấp quản lý trong việc chỉ đạo thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân.
 
Hài Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn