(Cổng ĐT HND) - Nước là một thành phần quan trọng không thể thiếu trên trái đất cũng như trong cơ thể mỗi con người chúng ta.
Nguy cơ thiếu nước đặc biệt là nước ngọt và sạch là một hiểm họa lớn đối với sự tồn vong của con người cũng như toàn bộ sự sống trên trái đất. Nước là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể thiếu đối với mọi hoạt động sống của cơ thể. Nước chiếm khoảng 70-75% trọng lượng cơ thể con người.
Nếu thiếu nước sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất dẫn đến khát nước, rối loạn nhiệt độ cơ thể, rối loạn tâm thần. Mỗi người chúng ta cần có ít nhất là 1,5 lít nước uống mỗi ngày. Nước cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể bởi nó liên quan đến nhiều quá trình sinh hoạt quan trọng.
Muốn tiêu hóa, hấp thu sử dụng tốt lương thực, thực phẩm... đều cần có nước. Nước chiếm khoảng 80% thành phần mô não được cấu tạo bởi nước, việc thường xuyên thiếu nước làm giảm sút tinh thần, khả năng tập trung kém và đôi khi mất trí nhớ. Ngoài ra, nước còn có nhiệm vụ thanh lọc và ngăn ngừa những độc tố gây bệnh ung thư và các loại sỏi đường tiết niệu, bàng quang, niệu quản... xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp một cách hiệu quả.
Việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường còn có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống con người và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sử dụng nước sạch còn giúp chúng ta phòng được các loại bệnh qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A và các loại bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh phụ khoa...
Ngoài ra, con người còn cần nước trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày như: Tắm, giặt, vệ sinh nhà cửa, bảo quản và chế biến thực phẩm, cứu hỏa và các nhu cầu trong sản xuất khác.Vậy, nước rất cần thiết cho chúng ta. Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá nhưng không phải là vô tận. Cho nên, việc bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân.
Nước giữ một vai trò đặc biệt trong đời sống sinh tồn và phát triển của con người. Chính vì vậy, việc bảo vệ tài nguyên nước đang trở thành vấn đề lớn của cộng đồng, trong đó mỗi người dân cần ý thức được rằng tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước không chỉ là tiết kiệm tiền mà còn bảo vệ được cuộc sống của chính mình. Hiện nay, vấn đề nguồn nước trên thế giới đang ngày càng khan hiếm, bị ô nhiễm và có thêm nhiều người không thể tiếp cận được nguồn nước sạch dẫn đến bệnh tật, tử vong lại được báo động…
Hiện nay, nguồn nước bị thất thoát đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí nguồn nước ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra đang làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh. Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới thì có tới 80% các loại bệnh tật liên quan đến việc sử dụng nước bị ô nhiễm. Các loại bệnh phổ biến thường gặp ở nông thôn là bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, phụ khoa… Đôi khi chúng còn lây lan nhanh thành dịch, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tiền bạc và thậm chí sinh mạng con người.
Nhưng vẫn còn không ít người chưa biết tại sao họ lại mắc phải các loại này, trong khi nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh, dịch này là do sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm như: Nước ao tù bị nhiễm chất thải từ các chuồng gia súc hoặc rác thải - nước ở các ao có cầu tiêu ao cá. Trong các loại nước đó có hàng triệu vi trùng, ký sinh trùng gây ra bệnh tật cho con người; Nước bị nhiễm độc bởi phân bón, thuốc trừ sâu; Nước sông, rạch bị ô nhiễm từ các chất độc hại trong nhà máy thải ra và vô số rác thải, súc vật chết; Thậm chí còn sử dụng những nguồn nước bị ô nhiễm bởi vật chứa không hợp vệ sinh, do tiếp xúc với tay chân bẩn; Ngoài ra, nhiều người lại có thói quen uống nước sống, không nấu chín nên cũng dễ mắc bệnh…Những tác hại này đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe của từng gia đình và cộng đồng của chúng ta.
Theo Liên Hiệp Quốc, nước sạch là 1 trong 3 nhu cầu thiết yếu nhất của con người, và trong 7 tỷ dân đang sinh sống trên thế giới, 1,1 tỷ người đang sống không có nước sạch để dùng, 1,3 tỷ người không có điện để dùng, 769 triệu người không được tiếp cận với hệ thống nước sạch và 2,5 tỷ người đang bị ảnh hưởng từ môi trường sống mất vệ sinh vì thiếu nước.
Cứ 9 công dân toàn cầu thì 1 người đang sống thiếu tiếp cận với nguồn nước sạch, dẫn đến con số 3.4 triệu người chết hàng năm do các bệnh dịch từ việc thiếu nước và môi trường mất vệ sinh mà 99% trong số đó sinh sống ở các nước đang phát triển. Thống kê còn cho thấy việc thiếu nước sạch và môi trường mất vệ sinh giết chết nhiều trẻ em ở các nước đang phát triển bằng số lượng người thiệt mạng của một chiếc máy bay cỡ lớn mỗi 4 giờ một ngày.
Tuy Việt Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, tổng lượng mưa và nước mặt khá phong phú song tài nguyên nước vẫn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững. Chỉ tính lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ thì nước ta đã thuộc vào số các quốc gia thiếu nước, tình trạng này sẽ ngày một gay gắt hơn trong tương lai gần. Vì vậy, an ninh quốc gia về tài nguyên nước cần được đặc biệt quan tâm nhằm giảm thiểu thiệt hại về nhiều mặt do thiếu nước.
Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, tài nguyên nước bao gồm tài nguyên nước mưa, tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất, nước biển...Trong đó tài nguyên nước mặt là nguồn nước vận động và tàng trữ trong sông suối, ao hồ, đầm phá. Riêng tài nguyên nước sông là rất quan trọng và được khai thác, sử dụng rộng rãi và nhiều nhất.
Hiện có nhiều yếu tố thiếu bền vững đã và đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia về tài nguyên nước của Việt Nam . Trước hết là lượng nước mà nước ta đang khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc trên 60% tổng lượng nước đến từ ngoài lãnh thổ. Mặt khác tài nguyên nước phân bố không đồng đều giữa các vùng. Trên 60% nguồn nước sông tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi toàn phần lãnh thổ còn lại chỉ có gần 40% lượng nước nhưng lại chiếm gần 80% dân số cả nước và trên 90% khối lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Trong năm và giữa các năm, tài nguyên nước của Việt Nam cũng phân bố không đều. Lượng nước trung bình trong 4-5 tháng mùa mưa chiếm khoảng 75-85%, còn những tháng mùa khô chỉ có 15-25% lượng nước cả năm. Đồng thời, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đến cuối thế kỷ 21 trung bình Việt Nam giảm khoảng 6-7% lượng nước vào mùa cạn, trong khi lũ lụt, thiên tai tăng lên cả về tầng suất và quy mô.
Bên cạnh đó, năng lực bảo đảm nước của các công trình thủy lợi, thủy điện chưa theo kịp với nhu cầu sử dụng nước hiện nay (chỉ trữ được khoảng 7,7% lượng nước sông), cộng thêm lớp thảm thực vật phủ trên lưu vực suy giảm mạnh, xói mòn gia tăng dẫn đến các hồ chứa bị bồi lấp nhanh chóng, dự đoán trong vòng 20 năm tới các hồ sẽ không còn đủ dung tích trữ nước là phòng lũ như đã thiết kế.
Chưa kể hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào đất liền theo các dòng sông; các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước mặt và nước dưới đất do công nghiệp hóa, đô thị hóa đang trở nên rõ rệt và phổ biến.
Nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 đã xác định: Hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra ở các sông, lưu vực sông quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.
Đặc biệt, ngày 12/6/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27 về một số giải pháp cách bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, qua đó an ninh đối với tài nguyên nước được đánh giá tương tự như đối với an ninh lương thực.
Những con số trên thế giới về khủng hoảng nước sạch dễ khiến cho mỗi chúng ta thờ ơ khi mà ngay những thành phố lớn ở Việt Nam nguồn nước không hề khan hiếm. Vậy nhưng bạn có biết: 1 trong 3 người Việt Nam sống mà không có nước sạch, mỗi ngày 3 sinh linh bé nhỏ ở Việt Nam chết vì mắc các bệnh liên quan đến việc thiếu nước sạch, có những nơi cả làng chết vì bệnh ung thư do khan hiếm nguồn nước sạch và phải dùng nước đã bị ô nhiễm.
9.000 người là số người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và hàng năm 200.000 người mắc bệnh ung thư với nguyên nhân chính bắt nguồn từ ô nhiềm môi trường nước vì vậy các cấp các ngành cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về quản lý, sử dụng nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường, loại bỏ các thói quen sử dụng các nguồn nước không hợp vệ sinh và có nguy cơ bị ô nhiễm cao, từng bước xã hội hoá về nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư...
Nước, tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người hiện không còn là vô tận nữa mà đang trở nên hữu hạn. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức và có hành động tiết kiệm nước, dù nhỏ nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, góp phần bảo vệ sự sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất, , vì vậy mỗi người chúng ta cần bảo vệ và sử dụng hợp lý nước sạch .
Huy Chinh