|
Ảnh minh họa. |
Tại huyện đảo Cát Hải, nguồn nước khó khăn, nhất là những tháng đầu năm, các bể chứa cạn, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn và độ cứng cao. Khi Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng tiếp nhận bàn giao Xí nghiệp Cấp nước Cát Bà 5 năm trước, khó khăn chủ yếu vẫn là nước nguồn. Với mục tiêu bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện đảo, đến nay, công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống đường ống nước thô từ đầu nguồn suối Gôi về Trạm Thuồng Luồng; xây dựng hệ thống nước thô từ hồ Hải Sơn về bổ sung nguồn nước cho Cát Bà, nâng công suất bể lọc từ 3.000m3 lên 5.000m3 ngày đêm… Ngoài ra, công ty còn chú trọng đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước đến các xã của huyện. Ngoài khu vực thị trấn Cát Bà, công ty còn bảo đảm cung ứng nước sạch cho các xã Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hào, Việt Hải. Từ chỗ cấp nước theo giờ, Xí nghiệp cấp nước Cát Bà hiện đã cấp nước 24/24 giờ với áp lực và chất lượng bảo đảm. Đến nay, phần lớn số dân của huyện Cát Hải được sử dụng nước sạch do Công ty cung cấp.
Với sản lượng 800.000m3/năm, Xí nghiệp cấp nước Cát Bà ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân địa phương và khách du lịch tại huyện đảo. Bên cạnh đó, một số dự án nâng cao năng lực cấp nước cho thị trấn Cát Bà và các xã lân cận cũng đang được triển khai như Dự án xây dựng các hồ chứa nước ngọt Trân Châu, Xuân Đám với tổng trữ lượng khoảng 500.000 m3 nước. Cùng với hồ Hải Sơn với trữ lượng 8.000m3 nước, các hồ này sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động của Xí nghiệp cấp nước Cát Bà.
Tại huyện Vĩnh Bảo, Nhà máy nước Vĩnh Bảo đã triển khai Dự án xây dựng khối bể lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) công nghệ Nhật Bản, công suất 5.000 m3/ngày đêm lần đầu thực hiện tại Việt Nam để khử chất hữu cơ trong nước kịp thời ứng phó với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng bằng nguồn vốn của công ty, với sự hỗ trợ công nghệ của Nhật Bản làm cho chất lượng nước ở đây trở thành nước có chất lượng quốc tế.
Tại Nhà máy nước An Dương (huyện An Dương), trong khuôn khổ chương trình hợp tác hữu nghị giữa hai thành phố Hải Phòng và Kitakyushu (Nhật Bản), Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng và Cục Cấp thoát nước thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) đã phối hợp thực hiện dự án nâng cấp Nhà máy xây dựng bể lọc tiếp xúc sinh học (U-BCF) công suất 100.000 m3/ngày đêm. Dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại đang được các bên liên quan hoàn thiện trình Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư 15,5 tỷ yên (tương đương 15,5 triệu USD). Trong đó, vốn đối ứng của Hải Phòng là 500.000 USD dùng cho chi phí quản lý dự án và một số chi phí khác. Nguồn vốn viện trợ để xây dựng hoàn chỉnh cụm bể lọc U-BCF, không xây dựng mới hay mở rộng hệ thống cấp nước. Sau khi hoàn thành, người dân trong vùng phục vụ của nhà máy có thể uống nước tại vòi, góp phần nâng cao sức khỏe, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2015, Hải Phòng vẫn còn một số khu vực mà người dân đang có nhu cầu cấp nước, như: các huyện Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, phía Tây huyện An Dương, thị trấn Cát Bà... Đáp ứng nhu cầu trên, Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng có kế hoạch xây dựng một số tuyến ống truyền dẫn, bể chứa và hệ thống phân phối nước để mở rộng vùng phục vụ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tài nguyên nước của Hải Phòng đang bị tác động lớn về xâm nhập của nước biển. Tổng chiều dài của toàn bộ sông chảy qua Hải Phòng khoảng gần 280 km. Mặc dù nguồn nước tương đối đồng đều theo diện tích, nhưng nguồn nước nhạt có thể khai thác, phục vụ các nhu cầu kinh tế-xã hội không lớn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước sông Giá, sông Đa Độ, sông Rế. Trên các sông vào mùa khô, hầu hết nước cửa sông ven biển đều bị nhiễm mặn, biên mặn một phần nghìn tiến sâu vào đất liền 40km (sông Kinh Thầy), 28km (sông Cấm), 32km (sông Lạch Tray), 35km (sông Đá Bạc), 40km (sông Thái Bình) và 28km (sông Văn Úc). Để chống xâm nhập mặn, nhất là khu vực Thủy Nguyên, Tiên Lãng, hiện các đơn vị quản lý buộc phải đóng 79% số lượng cống dưới đê, tương đương hơn 280 cống. Mặt khác, các nguồn nước của Hải Phòng còn chịu tác động của các nguồn chất thải từ thượng nguồn và tại địa bàn, ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nước bị thay đổi, việc cung cấp nước sạch của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nguy cơ thiếu nước của Hải Phòng là khá lớn. Song việc sử dụng nước không đúng mục đích, không hiệu quả và lãng phí nước đang diễn ra rất phổ biến. Lãng phí hơn cả là việc sử dụng nước ở cửa hàng dịch vụ rửa xe.
Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải của thành phố chưa đầu tư đúng mức. Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, thành phố chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới chỉ có trạm xử lý nước thải cục bộ của các cơ sở công nghiệp, bệnh viện. Nên, việc thu gom, tái sử dụng nước thải rất hạn chế. Hiện thành phố đang triển khai đầu tư một số trạm xử lý nước thải tập trung, như trạm xử lý Vĩnh Niệm công suất hơn 36 nghìn m3/ngày; trạm xử lý nước thải Đông Bắc và Đông Nam, công suất 75.000 m3/ngày, trạm xử lý nước thải Đồng Hòa.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nước, thời gian tới, thành phố cần hoàn thiện cơ chế quản lý, đồng thời, đẩy nhanh xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng các giải pháp khoa học để vừa có thể tiếp tục khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ các mục đích phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, vừa giảm thiểu quá trình nhiễm mặn, nhiễm bẩn, bảo đảm sự phát triển bền vững cả vùng lãnh thổ rộng lớn ven biển Hải Phòng.