Mới có 49% người dân nông thôn được dùng nước sạch
09:20 - 25/11/2020
(MTNT)- Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là mục tiêu thiên niên kỷ và chiến lược phát triển của Việt Nam. Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT hiện đạt 49%.
Việc cấp nước sạch nông thôn cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao một số công nghệ phù hợp cho các vùng đặc thù.


Trong đó, vùng Tây Nguyên là vùng có tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Bộ Y tế thấp nhất (26%), vùng duyên hải Nam Trung bộ có tỷ lệ cao nhất  (62%); ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long 61%, đồng bằng sông Hồng 58%, miền núi phía Bắc 49,3%, Bắc Trung bộ 58%. Chất lượng của các mẫu nước không đạt chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu như: Độ đục, màu sắc, độ cứng và vi sinh (Coliforms và E.coli).
 
 
Kết quả công tác rà soát, khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp hoàn thiện để vận hành bền vững mô hình cấp nước sạch tập trung thuộc Đề án 712 cho thấy, toàn quốc có 16.965 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các tỉnh có tỷ lệ công trình bền vững 100% gồm: Hải Phòng, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỷ lệ công trình hoạt động trung bình 32,3% (5.832 công trình); tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả 18,7% (2.886 công trình).
 
 
Tính đến 31/12/2019, cả nước có 9.547 công trình cấp nước tự chảy; 5.542 công trình cấp nước sử dụng bơm động lực, 133 công trình cấp nước bằng công nghệ hồ treo; 54 công trình cấp nước hỗn hợp. Các công trình này đã được giao cho đối tượng quản lý, gồm: UBND cấp xã (12.870 công trình, chiếm 84,2%); đơn vị sự nghiệp công lập (1.908 công trình, chiếm 12,4%); doanh nghiệp (498 công trình, chiếm 3,2%).
 
 
Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện Chương trình nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Do đó, công tác xã hội hóa cấp nước sạch nông thôn đang được triển khai mạnh mẽ tại một số khu vực và địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành chính sách của tỉnh để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, điển hình như: Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ… Tuy nhiên, việc xã hội hóa trong đầu tư, quản lý và khai thác công trình cấp nước nông thôn còn chậm, chưa thu hút được các thành phần kinh tế; sự tham gia của doanh nghiệp còn thấp (chiếm 5,3%) do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước còn kém hiệu quả, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cấp trung gian, thông tin thiếu minh bạch...
 
 
Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư xây dựng 48 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó có 5 công trình liên xã, 9 công trình quy mô toàn xã và 34 công trình có quy mô thôn, bản. Tuy vậy, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn mới chỉ có 60,56%.
 
 
Tại Hà Nội, hiện tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch đạt 78%. Một số huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp, như: Chương Mỹ (32%), Ứng Hòa (38%), Mỹ Đức (40%), Thường Tín (45%)… Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn còn 3 xã miền núi (Minh Quang, Ba Vì, Khánh Thượng) và xã Minh Châu nằm giữa bãi sông Hồng có người dân chưa được sử dụng nước sạch. Tương tự, tại huyện Hoài Đức, nhiều hộ dân vùng bãi sông Đáy thuộc các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế cũng đang mòn mỏi chờ đợi đường ống cấp nước sạch.
 
 
Điển hình như huyện Mỹ Đức, hiện trên địa bàn có 3 trạm cấp nước sạch tập trung đang hoạt động và 1 trạm đang đầu tư xây dựng. Đối với 3 trạm đang hoạt động, riêng trạm cấp nước Thiên Trù chỉ hoạt động trong mùa Lễ hội, phục vụ cho các hộ kinh doanh buôn bán và du khách về thăm quan lễ hội 3 tháng đầu năm trong khu vực Chùa Thiên Trù. Còn lại 2 trạm gồm: Trạm cấp nước sạch thôn Hội Xá, xã Hương Sơn (do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư) và Trạm cấp nước sạch thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn đang hoạt động phục vụ nhân dân trên địa bàn xã Hương Sơn. Đến nay, số hộ dân trên địa bàn xã Hương Sơn đang sử dụng nước sạch tập trung có 4.695/53.900 hộ, đạt 8,7% số hộ trên địa bàn huyện (tương đương với số dân được sử dụng nước sạch là 18.400 người/198.000 người, bằng 9,3% dân số của cả huyện). Còn lại 20 xã và thị trấn Đại Nghĩa chưa có nước sạch tập trung, chỉ sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào và nước mưa.
 
 
Bên cạnh đó, nhờ tăng cường việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện thực hiện các biện pháp xử lý nước và sử dụng các thiết bị lọc theo tiêu chuẩn nên nhiều hộ cũng đã đảm bảo được nguồn nước sạch cho gia đình, đạt khoảng 23,7% số dân cả huyện. Như vậy, tính cả tỷ lệ số người dân được sử dụng nguồn nước sạch tập trung và số người dân tự xử lý các nguồn nước khác để đảm bảo nguồn nước theo tiêu chuẩn, toàn huyện Mỹ Đức đạt khoảng hơn 30% dân số của cả huyện, tương đương khoảng 17.803 hộ dân (theo số liệu thống kê năm 2019).
 
 
Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 519 công trình cấp nước tập trung, trong đó, có 489 công trình cấp nước tập trung tự chảy và 30 công trình cấp nước bằng động lực. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 54,7%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 17,6%, từ các công trình nhỏ lẻ là 37,1%.
 
 
Đối với những công trình cấp nước sạch tập trung đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động thì đa phần hiệu quả hoạt động không cao. Trong số 30 công trình cấp nước sạch tập trung hiện có thì chỉ 8 công trình có công suất khai thác đạt và vượt so với thiết kế, còn 22 công trình có công suất khai thác không đạt so với thiết kế (nhiều công trình công suất khai thác chỉ đạt 50 - 60%).
 
 
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh hiện đang quản lý, vận hành 10 nhà máy nước sạch, với tổng công suất thiết kế 27.640m3 nước/ngày, đêm; số đồng hồ nghiệm thu đưa vào sử dụng đạt 45.831 cái. Tuy nhiên, công suất khai thác thực tế của 10 công trình cấp nước sạch do trung tâm quản lý nhiều năm qua chỉ đạt từ 60 - 61,5% so với công suất thiết kế. Một số công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn như: Nhà máy nước sạch cho 9 xã, thị trấn của huyện Nga Sơn (gồm các xã: Nga Tân, Nga Văn, Nga Tiến, Nga Hưng, Nga Thanh, Nga Mỹ, Nga Yên, Nga Liên và thị trấn Nga Sơn), công suất khai thác thực tế chỉ đạt 60,4% so với công suất thiết kế; nhà máy nước sạch 7 xã huyện Hậu Lộc (gồm thị trấn Hậu Lộc và các xã: Xuân Lộc, Lộc Sơn, Mỹ Lộc, Thuần Lộc, Tuy Lộc, Cầu Lộc và Thành Lộc) công suất khai thác cũng chỉ đạt 62,3% so với công suất thiết kế.
 
 
Nguyên nhân tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam còn khiêm tốn được xác định là do ngân sách của Trung ương và địa phương đầu tư cho nước sạch còn hạn chế, trong khi để xây dựng một công trình cấp nước sạch tập trung cần nguồn kinh phí lớn, nên số công trình nước sạch tập trung được đầu tư còn ít.
 
 
Bên cạnh đó, các công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn chưa phát huy hiệu quả do người dân chưa mặn mà sử dụng nguồn nước sạch trong cuộc sống, sinh hoạt. Đa phần các hộ còn giữ thói quen sử dụng nước giếng, nước khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí dẫn đến tỷ lệ sử dụng nước sạch còn hạn chế. Ngoài ra, ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải trả chi phí đấu nối với số tiền lớn nên nhiều hộ dân không mặn mà.
 
 
Do khai thác không đạt so với công suất thiết kế khiến việc thu hồi vốn đầu tư chậm, vì thế việc duy trì hoạt động của các công trình cấp nước sạch, nhất là công trình cấp nước sạch tập trung gặp nhiều khó khăn. Đây chính là nguyên nhân chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư vào xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung.
 
 
Tuy nhiên, các đối tượng được giao quản lý công trình chủ yếu thực hiện theo phương thức tự khai thác (cấp nước, thu tiền nước); việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình do đơn vị tự thực hiện. Vì vậy, nhóm công trình được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cộng đồng chủ yếu áp dụng phương thức sửa chữa nhỏ do không có cán bộ chuyên môn theo dõi mà chỉ mang tính chất trông giữ công trình, không có kinh phí sửa chữa nên xuống cấp, hư hỏng nhanh; nhóm công trình được giao cho Trung tâm nước và doanh nghiệp hoạt động bền vững, hiệu quả hơn do có cán bộ có năng lực chuyên môn, chủ động trong việc bố trí kinh phí sửa chữa.
 
 
Để phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước sạch tại khu vực nông thôn, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và địa phương dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Theo đó, quy định về hình thức giao tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn tập trung theo hướng giao tài sản cho UBND cấp xã hoặc đơn vị sự nghiệp công lập theo hình thức ghi tăng tài sản: Đơn vị được giao tài sản thực hiện trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác tài sản đảm bảo mục tiêu cung cấp nước sạch bền vững cho nhân dân nông thôn.
 
 
Đồng thời, các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước sạch cần tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các sở, ngành và địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa đối với các công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn.
 
 
Đối với các công trình cấp nước sạch nhỏ lẻ, các sở, ngành liên quan hoàn thiện thủ tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia đấu thầu quản lý, vận hành. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ công trình và huy động nhân dân đóng góp duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời khi công trình vừa mới bị hư hỏng. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ nguồn vốn của các dự án, tổ chức tài trợ để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước cho người dân.
 
 
Đồng thời, việc cấp nước sạch nông thôn cần tập trung nghiên cứu và chuyển giao một số công nghệ phù hợp cho các vùng đặc thù như: Công nghệ xử lý nước mặn cho các vùng ven biển, các xã đảo, vùng bãi ngang ven biển; công nghệ xử lý nước quy mô hộ gia đình cho những vùng lũ lụt; áp dụng công nghệ hồ treo cho các vùng núi cao, hạn hán.
Anh Giang
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn