|
Các địa phương cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho bà con tại cơ sở chăn nuôi |
Hiện, tổng số đàn lợn, gia cầm, trâu, bò toàn tỉnh Điện Biên đạt trên 581,467 con. Do đó, lượng chất thải rắn chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 2.620.688 tấn/năm.
Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chăn nuôi có sự khác nhau theo qui mô chuồng trại.
Phần lớn các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh chăn nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại chăn nuôi cạnh nhà, cạnh bếp, dưới gầm sàn.
Do đó, chất thải chăn nuôi vẫn thải trực tiếp ra môi trường, nước thải bốc mùi hôi, phát sinh nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tình trạng thả rông, chăn nuôi thả trên đất dốc, khu vực đầu nguồn nước... không những làm suy giảm chất lượng nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm phát sinh dịch bệnh vật nuôi, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và có nguy cơ lây nhiễm sang người.
Đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ gắn với sản xuất nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra đồng bón cho cây trồng. Thực tế cho thấy, lượng chất thải phát thải trong chăn nuôi ở Điện Biên được xử lý theo đúng quy định là rất ít.
Trong đó, phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là phân tán, nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các hộ gia đình từ 1-3 con trâu bò, 3-7 con lợn và 15-20 con gia cầm, nên việc quản lý chất thải trong chăn nuôi xảy ra nhiều khó khăn bất cập.
Hiện tại khu vực lòng chảo Điện Biên, các hộ chăn nuôi có qui mô lớn hàng ngày thải ra một lượng lớn chất thải không được xử lý và đổ trực tiếp vào hệ thống thoát nước kênh, mương trong vùng.
Phần lớn các trang trại chăn nuôi qui mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt qui chuẩn về môi trường.
Hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về các nội dung liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; tuyên truyền vận động các hộ gia đình, cá nhân xây dựng chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách, thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhiều hộ chăn nuôi không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 297 trang trại chăn nuôi và hàng nghìn hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ...
Tuy nhiên, hiện chỉ có Trang trại chăn nuôi bò sữa Tuyên Quang (xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn) thuộc Công ty cổ phần Sữa Vinamilk, Trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Sữa Tương lai, xã Phúc Ứng (huyện Sơn Dương) và một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại huyện Sơn Dương thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, còn lại là có xử lý chất thải nhưng chủ yếu chỉ xây hầm biogas, ủ làm phân bón và một số ít sử dụng chế phẩm sinh học khác.
Trang trại chăn nuôi của chị Đặng Thị Thủy ở xã Đức Ninh (huyện Hàm Yên) có quy mô 300 con lợn/lứa, hàng trăm con gà, vịt nhưng toàn bộ chất thải được xả thẳng ra môi trường không qua một hệ thống xử lý nào.
Các gia trại chăn nuôi quy mô nhỏ hơn thì việc áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rất ít. Gia trại chăn nuôi bò của chị Nguyễn Thị Tiếp, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (huyện Yên Sơn) với quy mô 10 con, tuy nhiên chất thải vẫn chỉ được gom lại chứ không xử lý.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hiện đang rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng, chủng loại để không gây quá tải. Ngành cũng thống kê các cơ sở chăn nuôi có diện tích chuồng trại từ 50 m2 trở lên làm cơ sở đề xuất giải pháp quản lý môi trường.
Qua rà soát, toàn tỉnh có 10.473 hộ chăn nuôi quy mô lớn. Trong đó, 10.319 hộ có diện tích chuồng từ 50 m2 đến dưới 1.000 m2; 154 hộ có diện tích trên 1.000 m2.
Ngành cũng tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả hơn như sử dụng biện pháp khí sinh học, kết hợp các công nghệ xử lý chất thải nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, bảo đảm các chỉ tiêu môi trường ở mức độ chấp nhận được.
Hiện tại có 8.122 hộ có chuồng nuôi xử lý biogas; 101 hộ sử dụng đệm lót sinh học và 99 hộ sử dụng men vi sinh trong xử lý chất thải.
Tỉnh Lào Cai có hơn 548 nghìn con gia súc, hơn 4 triệu con gia cầm, lượng phân phát thải hằng ngày khoảng 3.697 tấn, khối lượng nước tiểu khoảng 2.283 tấn, chưa kể hàng nghìn tấn nước thải sau tắm và rửa chuồng trại.
Nếu không được xử lý tốt, đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh có khoảng 115.462 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó 65.273 hộ chăn nuôi (chiếm 56,5%) đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, còn 50.189 hộ chăn nuôi (chiếm 43,5%) không có biện pháp xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nguyên nhân của những hạn chế trên do chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 90% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh).
Điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế, nhất là kiến thức về phòng, chống dịch bệnh của một số người chăn nuôi chưa cao.
Phát triển chăn nuôi chưa gắn với cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch. Nhiều trang trại quy mô chăn nuôi còn vượt quá công suất hầm khí biogas.
Hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi chưa phù hợp; dẫn đến quá tải, chất thải được thu gom vào hệ thống xử lý nhưng không lưu đủ thời gian để phân hủy đã thải ra môi trường gây ô nhiễm.
Để xử lý chất thải chăn nuôi, tỉnh đã triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp, hỗ trợ các hộ chăn nuôi làm hầm biogas nhằm sử dụng tối ưu phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất phân hữu cơ và một số mô hình xử lý chất thải chăn nuôi như: Ủ phân bằng chế phẩm sinh học, nuôi giun quế... cũng đang được triển khai tại một số địa phương.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 nghìn hộ chăn nuôi xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm bể biogas.
504 trang trại chăn nuôi và 8 cơ sở chăn nuôi công nghiệp áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, đệm lót sinh học và sử dụng các chế phẩm sinh học. Còn lại đa số các hộ xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp sử dụng hố ủ phân, hố chứa phân hoặc mô hình ủ phân bằng chế phẩm sinh học...
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các cơ quan, ban, ngành của các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, hàng hóa; khuyến khích chăn nuôi trang trại công nghiệp; xây dựng phương án giết mổ, gia súc, gia cầm tập trung.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi được hưởng các chính sách đất đai theo quy định; có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận với các phương pháp xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường các chế tài xử lý, đủ sức răn đe đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Đình Côn
Nguồn:
https://baotainguyenmoitruong.vn/dien-bien-can-tang-cuong-giai-phap-bao-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi-249114.html
https://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep-ha-tang/bao-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi-83181.html
http://www.baolaocai.vn/kinh-te/giai-phap-xu-ly-moi-truong-chan-nuoi-z3n20190926104744412.htm