Hội ND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định): Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường
(MTNT) - Thời gian gần đây, các cấp Hội ND trên địa bàn triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình về tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu được người dân, nhất là hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ.
|
Ảnh minh họa |
Theo đó, Hội ND huyện chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội cơ sở khảo sát thực trạng môi trường nông thôn, tình hình quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rác thải trong sinh hoạt và trong sản xuất nông nghiệp của nông dân để tập trung chỉ đạo tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên nông dân.
Trên cơ sở đó, hội viên nông dân đã tích cực hưởng ứng và xây dựng có hiệu quả nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường nông thôn, cụ thể: Mô hình điểm bể thu gom chất thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng tại xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang và thị trấn Vĩnh Thạnh, mô hình đoạn đường tự quản tại xã Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hòa, có 9/9 xã, thị trấn đăng ký xây dựng mô hình hố rác gia đình, mô hình vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo… Riêng huyện Hội chọn chi Hội Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp xây dựng mô hình điểm hố rác gia đình để nhân ra diện trong huyện, có 15 mô hình hố rác gia đình được tổ chức và hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, Hội ND các cấp đã huy động mọi nguồn lực với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế của từng địa phương để xây dựng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhỏ lẻ. Đồng thời, phối kết hợp với các cấp, các ngành vận động và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững: Nuôi heo, gà trên nền đệm lót sinh học, trồng rau sạch...
Thông qua mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật và quy trình canh tác bằng phân hữu cơ, phân vi sinh, kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh bằng thuốc sinh học, hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho năng suất cao. Từ đó, thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi, có ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường nông thôn, góp phần hạn chế, ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, huyện Hội còn hướng dẫn các cấp Hội cơ sở chủ động phối hợp với chính quyền, các ban ngành có liên quan tổ chức các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường với nội dung phong phú, thiết thực và phù hợp với từng địa phương như: Tổ chức các hội thi, tập huấn, vận động hội viên nông dân tham gia quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu gom, phân loại và xử lý chất thải trong sinh hoạt, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Tuần lễ quốc gia nước sạch & vệ sinh môi trường, Chương trình Làm cho thế giới sạch hơn hàng năm theo từng chủ đề; Ngày môi trường thế giới 5/6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Ngày Nước thế giới 22/3; tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi hội định kỳ, phát tài liệu, tờ rơi. Kết quả thu hút trên 7.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.
Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp, công tác tuyên truyền của Hội ND các cấp trong huyện đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc thực hiện bảo vệ môi trường.
Thông qua hoạt động của các mô hình, các hộ dân được trang bị những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các hộ nông dân đã từng bước nâng cao được nhận thức về xu thế tiến bộ của xã hội nhất là khoa học công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học. Từ đó giúp hội viên, nông dân xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động hội viên, nông dân cùng tham gia thực hiện bảo vệ môi trường nông thôn.