Hội ND huyện Gia Bình (Bắc Ninh): Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
(MTNT) - Những năm qua, các cấp Hội ND trong huyện với nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp; nhiều mô hình điểm và những việc làm cụ thể đã góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện bảo vệ môi trường.
|
Các mô hình thu gom rác thải góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Ảnh minh họa |
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải theo quy định, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng tại các làng nghề; xây dựng cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp… đều được coi là những tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Theo đó, Hội ND huyện đã triển khai nhiều hình thức truyền thông phong phú, phù hợp; xây dựng nhiều mô hình điểm đã góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới...
Xác định công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội đã lồng ghép nội dung tuyên truyền luật BVMT vào các buổi sinh hoạt nội bộ, các hội nghị, hội thảo…
Đồng thời, huyện Hội còn phối hợp tổ chức Hội thi “Nông dân tham gia tìm hiểu Luật bảo vệ môi trường”. Tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới; Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, giải thích cho hội viên, nông dân hiểu về tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình xử lý chất thải, qua đó tạo niềm tin nơi người dân, sớm đưa các dự án vào sử dụng nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hàng năm, Hội ND các xã, thị trấn tổ chức cho các chi, tổ Hội đăng ký các chỉ tiêu như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn, giao chỉ tiêu xây dựng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường đến tận chi Hội và căn cứ tình hình thực tế ở địa phương lựa chọn mô hình phù hợp.
Đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, Hội ND huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng biện pháp xây bể hoặc sử dụng bể bi-ô-ga vừa tiết kiệm chi phí chất đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, hằng năm, Hội ND huyện đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lễ phát động hưởng ứng với sự tham gia của trên 500 cán bộ, hội viên, nông dân.
Đồng thời chỉ đạo các cơ sở Hội trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên nông dân tham gia như: Chăm sóc hàng cây nông dân, ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng; khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý rác thải tồn đọng đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp; tham gia kẻ vẽ và treo hàng nghìn khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Hội ND huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cho các chi Hội đảm nhận việc thu gom rác thải sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.
Điển hình như Câu lạc bộ CLB vệ sinh môi trường làm nhiệm vụ thu gom vỏ bao thuốc trừ sâu trên đồng ruộng của Hội ND xã Đại Lai. Ban đầu CLB có 20 hội viên, nhiệm vụ là đi thu gom toàn bộ các vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên các khu đồng, sau đó thu gom lại, phân loại để xử lý; các loại vỏ bao có chất liệu nilong thì được tiến hành bọc kín trong túi, sau đó để trong bể chứa được chuẩn bị sẵn, các loại chai thủy tinh thì được thu gom tập trung vào một địa điểm để có hình thức xử lý phù hợp.
Ngoài ra, CLB còn tổ chức những đợt ra quân sau mỗi lần địa phương phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Nhiều người dân sau khi phun thuốc sâu đã thu gom các loại vỏ, để ở chỗ thuận tiện cho tổ vệ sinh đến thu gom được nhanh chóng. Ngoài tác dụng làm sạch đồng ruộng, thông qua các buổi ra quân làm vệ sinh các thành viên CLB cũng trở thành những tuyên truyền viên góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, để đẩy mạnh và thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội còn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi hành vi và thái độ về bảo vệ môi trường cho hội viên; hướng dẫn và vận động hội viên nông dân thu gom, phân loại chất thải ngay tại gia đình; huy động sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải nông thôn.
Hội ND huyện tích cực tổ chức các lớp tập huấn về thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải; nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; đồng thời, vận động hội viên hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, mỗi gia đình tự thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, hình thành và duy trì các tổ thu gom xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư.
Tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn trung ương, nguồn tỉnh cũng như của chính quyền địa phương, các cấp Hội đã chủ động phối hợp xây dựng mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình và cộng đồng dân cư; mô hình nông dân tự quản con đường sáng- xanh- sạch- đẹp đã được nhân rộng ở nhiều chi hội; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ rác và chế phẩm nông nghiệp; công nghệ khí sinh học biogas…
Đặc biệt, Hội đang xây dựng và triển khai Đề án “Hàng cây nông dân” nhằm mục đích phủ xanh toàn bộ các đoạn đường liên thôn, liên xã, bờ kênh mương trên các cánh đồng và bước đầu mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường.
Thông qua hoạt động của các mô hình, các hộ dân được trang bị những chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước nâng cao nhận thức về xu thế phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, từ đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động hội viên, nông dân cùng tham gia thực hiện bảo vệ môi trường nông thôn.