Các cấp Hội tích cực vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn
14:54 - 02/08/2018
(MTNT)- Thời gian qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Bảo vệ môi trường góp phần quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên

Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội ND Việt Nam) đã tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện tiêu chí thứ 17, với 8 chỉ tiêu cụ thể nhằm tăng số hộ nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; nâng cao tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT; xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, an toàn… Các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đều đưa nội dung, chỉ tiêu BVMT trong xây dựng nông thôn mới vào văn kiện Đại hội, chương trình công tác, đề án, dự án và kế hoạch hoạt động hàng năm.

 
Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền vận động “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” về bảo vệ TNMT đến từng hội viên, nông dân; đưa BVMT vào nội dung Hội thi “Nhà nông đua tài”. Đồng thời, Hội ND các tỉnh, thành phố đã tổ chức 205 cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức và pháp luật BVMT, đất đai”, “Nông dân với biến đổi khí hậu” theo hình thức sân khấu hóa, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với bản sắc văn hóa từng địa phương.
 

Đặc biệt, Trung ương Hội NDVN phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Phúc chỉ đạo Hội ND các cấp phối hợp với Sở, ngành liên quan tổ chức thành công hơn 400 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới thu hút hàng vạn cán bộ, hội viên nông dân tham gia; Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia BVMT, trồng cây xanh, “Chương trình Ngày thứ bảy nghĩ xanh, mua sạch”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Nói không với túi ni lông.

 
Bước đầu công tác truyền thông của các cấp Hội đã quan tâm đến những vùng khó khăn như: Vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và sử dụng những hình thức truyền thông hiệu quả (trang thông tin của các cấp Hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép hoạt động truyền thông với phong trào, xây dựng mô hình, lồng ghép hoạt động của Hội ND với các cơ quan quản lý nhà nước và các ngành, đoàn thể…) đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tư pháp và chính sách cho hội viên và nông dân.

 
Các cấp Hội tổ chức tư vấn, tham vấn, diễn đàn, đối thoại, sinh hoạt Câu lạc bộ, hội nghị, hội thảo tăng cường sự tham gia của nông dân trong xây dựng và thực hiện chính sách, luật pháp có liên quan đến BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai.

 
Điển hình như Hội ND tỉnh Bạc Liêu đã thành lập 3 Câu lạc bộ BVMT ở các chi Hội, tổ Hội. Tại Câu lạc bộ  BVMT xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), mỗi thành viên trong CLB đều có ý thức, trách nhiệm trong vận động nông dân BVMT nông thôn. Và từ khi được Hội ND tỉnh tặng 15 thùng đựng rác, mỗi thành viên CLB đảm nhận quản lý một thùng đựng rác và vận động nhân dân bỏ rác đúng quy định trên tuyến đường ấp Nhà Việc (xã Châu Thới) để xe thu gom rác thải xử lý, góp phần BVMT nông thôn.

 
Phát động và chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Hãy hành động vì môi truờng nông thôn xanh - sạch- đẹp”, “Chung tay BVMT, bảo vệ đa dạng sinh học”nhằm huy động nông dân chung tay BVMT trong xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Tiền Giang phát động cao điểm tháng hành động “Nông dân Tiền Giang chung sức BVMT” chọn điểm ra quân thực hiện và đồng loạt các xã trên địa bàn ra quân thực hiện. Qua đó, có trên 250.000 hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và tạo sức lan tỏa lớn.

 
Những mô hình Bảo vệ môi trường của Hội ND các cấp đã góp phần thực hiện 8 chỉ tiêu cụ thể về BVMT và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới (xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và tiết kiệm nguồn nước sạch, sản xuất thực phẩm an toàn, thu gom và xử lý rác thải khu dân cư và trong sản xuất nông nghiệp, mô hình tự quản, mô hình đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà ở).

 
Tại Nam Định, mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể tham gia BVMT như: Nhận thu gom rác thải trong thôn xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây nông dân; xây dựng tuyến đường không có rác thải.

 
Một số đơn vị triển khai tốt đó là: Mô hình "Hàng cây nông dân" của Hội ND huyện Trực Ninh; tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải của Hội ND Thành phố; chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh, sạch, đẹp, xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới ở Hội ND huyện Hải Hậu; mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ở Hội ND huyện Nam Trực, một số xã của huyện Ý Yên; thu gom rác thải tập trung ở Hội ND huyện Xuân Trường... Theo báo cáo của các huyện, thành phố đến nay đã có 11/32 xã (đạt 34,4 % kế hoạch) và 810/1.057 chi Hội (đạt 76% kế hoạch) có tổ thu gom rác do Hội ND thành lập và tổ chức thu gom; tập trung ở Hội ND huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường.

 
Ngoài ra, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tập trung tuyên truyền "Tuần lễ Quốc gia nước sạch & vệ sinh môi trường”; "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Ngày Nước thế giới 22/3 ; Tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Môi trường thế giới. Xây dựng mô hình điểm về công tác BVMT, ra quân tổng vệ sinh thôn xóm vào thứ 6 hàng tuần... Các huyện, thành Hội còn phối hợp với Phòng tài nguyên môi trường tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân với nội dung công tác về BVMT, nước sạch nông thôn, môi trường với sức khoẻ con người, vận động cán bộ, hội viên phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và đất đai.

 
Bên cạnh đó, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội còn tham gia xây dựng và thực hiện chính sách khuyến khích nông dân tham gia BVMT trong xây dựng nông thôn mới như: Tham gia góp ý và phản biện xã hội đối với chính sách sắp được ban hành; tuyên truyền phổ biến nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận với chính sách; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách khuyến khích nông dân tham gia BVMT trong xây dựng nông thôn mới.

 
Đến nay, Trung ương Hội đã tích cực phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, TN&MT tham gia đoàn giám sát, phản biện thực hiện chính sách phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; ký kết Chương trình phối hợp với MTTQ VN, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020 để bảo vệ quyền lợi cho nông dân, thu hút sự tham gia của 59/63 tỉnh, thành phố với 1.380 cuộc giám sát; tổ chức 18 lớp tập huấn cho gần 2.000 cán bộ, hội viên nông dân về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội; tổ chức đoàn giám sát liên ngành việc thực hiện chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại Quảng Bình…

 
Trung ương Hội và Hội ND các tỉnh, thành đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến môi trường; phối hợp liên ngành tham gia BVMT trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay Trung ương Hội ký nghị quyết liên tịch với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội ND 63/63 tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó, nhiều địa phương xây dựng nội dung cụ thể, phù hợp và quy định rõ trách nhiệm của từng ngành.
 
 
Các cấp Hội cũng phối hợp hoặc lồng ghép hoạt động với các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp và hợp tác xã, các tôn giáo huy động hội viên và người dân tham gia BVMT trong xây dựng nông thôn mới.

 
Điển hình tại Hải Dương, hàng năm, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, kỷ niệm ngày môi trường thế giới 5/6 và Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Hội ND tỉnh đều phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, tổ chức lễ phát động hưởng ứng với sự tham gia của trên 500 cán bộ, hội viên nông dân.


Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi thu hút hàng chục ngàn cán bộ, hội viên nông dân tham gia thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng như: Mít tinh, trồng và chăm sóc hàng chục ngàn cây xanh, ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông dòng chảy cống rãnh, thu gom và xử lý hàng ngàn tấn rác thải tồn đọng đảm bảo môi trường xanh- sạch- đẹp, tham gia kẻ vẽ và treo hàng ngàn khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường.


Thời gian tới, các cấp Hội tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân như: Trợ giúp pháp lý, diễn đàn, đối thoại chính sách, tư vấn và tham vấn nông dân; xây dựng thí điểm mạng lưới tuyên truyền viên về môi trường theo Quyết định 712 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020. Từ đó rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.
 
Văn Thạo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn