|
Các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường được các cấp Hội tích cực nhân rộng |
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh thường xuyên tuyên truyền, tập huấn về các biện pháp diệt chuột an toàn với môi trường bảo vệ sản xuất, các biện pháp thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa; các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và các biện pháp thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, các hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững góp phần bảo vệ môi trường như: Áp dụng công nghệ mới sản xuất giống, trồng, thu hoạch và chế biến đinh lăng lá nhỏ theo tiêu chuẩn GACP tại huyện Nho Quan; mô hình sử dụng nhà màng trong sản xuất hoa cao cấp như hoa lan, hoa lily, hoa đồng tiền; công nghệ chiếu sáng nhân tạo bằng đèn chuyên dụng tiết kiệm điện điều khiển ra hoa trong sản xuất hoa cúc ở xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình; sản xuất một số loại rau có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô; thâm canh lúa theo hướng VietGAP đảm bảo góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái; trồng dưa lê siêu ngọt, cà chua trái vụ, cà chua bi, ổi Đài Loan, táo 05, dưa lê Kim hoàng hậu, dưa chuột lai F1, dâu tây.
Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng đã được áp dụng như: Biện pháp 3 giảm, 3 tăng trên cây lúa; đối với cây lạc, cây dứa áp dụng công nghệ che phủ ni lông để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại, sử dụng các loại phân bón lá…
Trong quản lý dinh dưỡng cây trồng, tỉnh ứng dụng công nghệ mới như: Sử dụng phân viên nén nhả chậm bón cho cây trồng theo từng loại cây và từng thời kỳ của cây giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế thất thoát dinh dưỡng, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế; hỗ trợ cấp chứng nhận cơ sở trồng trọt đủ điều kiện sản xuất an toàn cho 2 vùng sản xuất rau tại xã Yên Từ (huyện Yên Mô) và xã Văn Phong (huyện Nho Quan).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, các cơ sở giết mổ động vật về công tác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi lợn trên đệm lót vi sinh, công nghệ chuồng trại tiên tiến như chuồng kín, công nghệ xử lý chất thải bằng men vi sinh, máy vắt, bể biogas phủ bạt composite…
Điển hình như: Xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và xây dựng mô hình xã an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm giúp hạn chế tỷ lệ mắc các bệnh lở mồm long móng ở lợn, bệnh cúm ở gia cầm đã góp phần hạn chế được dịch bệnh và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ mới vào quá trình ương, nuôi, giám sát và xử lý chất lượng nước. Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ/năm của Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân là một điển hình.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, với hệ thống ao nuôi hiện đại và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới giúp làm sạch nguồn nước và giữ được nhiệt độ, độ mặn ổn định, mô hình cho năng suất từ 20-25 tấn/vụ/ha. Tại huyện Kim Sơn nhiều hộ nuôi tôm thâm canh với mật độ cao sử dụng ao nổi, lót bạt nilon, sử dụng chế phẩm sinh học và dùng quạt nước tạo oxy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm ngăn chặn các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản.
Bên cạnh đó, Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng, tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trồng và chăm sóc rừng. Bảo vệ ngăn chặn việc khai thác rừng, lấn chiếm sử dụng đất rừng trái phép, quản lý động vật hoang dã, chim hoang dã, tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại gốc, vùng giáp ranh…
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực; mức độ gia tăng ô nhiễm giảm đáng kể, suy thoái môi trường đã dần được hạn chế, công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.