Hưng Yên: Môi trường nông thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng
15:49 - 27/07/2018
(MTNT) - Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm ngân sách tỉnh và các huyện đã dành ra 40 - 50 tỷ đồng để đầu tư cho việc xử lý rác thải nông thôn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 35% lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn của Hưng Yên chưa được thu gom, xử lý triệt để. Ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng xả, đốt rác bừa bãi nơi cộng cộng, ao hồ, sông ngòi, kênh mương, ven đường giao thông. Đặc biệt, ven Quốc lộ 5 và 39 trên địa bàn đang trong tình trạng ngập rác thải công nghiệp lẫn rác thải sinh hoạt.

Hiện vẫn còn khoảng 35% lượng rác thải sinh hoạt tại nông thôn của tỉnh chưa được thu gom, xử lý


Gần một năm nay, các hộ dân sống xung quanh bãi tập kết rác tạm của thôn Đạo Khê, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ phải hứng chịu cảnh ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc từ điểm tập kết rác của thôn. Không những thế, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ben hoạt động đi thu gom rác từ các khu vực trong thôn về tập kết tại đây, khiến giao thông ở khu vực này càng trở nên lộn xộn.
 
 
Mỗi khi đến giờ thu gom rác, là tình trạng giao thông lại trở nên ách tắc kéo dài và không ít vụ tai nạn đã xảy ra do bãi tập kết rác này nằm ngay quốc lộ, là con đường giao thông chính của xã. Hàng tuần vẫn có xe rác của môi trường huyện về thu gom vào thứ 3, 5 và thứ 7 nhưng vẫn không xuể.
 
 
Người dân xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ cũng đang rất bức về bãi rác nằm trên tuyến đường liên thôn của xã. Bãi rác này đã tồn tại từ năm 2015, là bãi rác tự phát nhưng nơi đây gần như trở thành nơi tập kết rác chính của cả xã. Lượng rác ngày càng nhiều không được xử lý triệt để, đang tràn xuống kênh mương, ruộng, đường đi. Do bãi rác gần khu dân cư, nên người dân hàng ngày đang phải chịu đựng mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên, ruồi, nhặng và những kí sinh trùng độc hại và truyền nhiễm khác bủa vây, gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của nhiều hộ gia đình.
 
 
Rác thải được đổ về đây để chở đi nơi khác xử lý, nhưng có khi rác được tập kết cả tháng tồn đọng mà không được vận chuyển đi. Người dân địa phương liên tục kiến nghị với chính quyền xã, nhưng đã gần 3 năm qua, vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
 
 
Nguồn nước thải cũng bị ô nhiễm. Điển hình tại khu vực sông Cầu Lường, nhiều năm nay hàng chục nghìn hộ dân ở các xã như Ngọc Lâm, Xuân Dục, Bạch Sam thuộc huyện Mỹ Hào phải sống khốn khổ bên con sông suốt ngày đêm nồng nặc mùi ô nhiễm.
 
 
Các cống xả thải từ các doanh nghiệp trên đều xả thẳng ra sông Cầu Lường, gây nên ô nhiễm môi trường tại địa phương suốt nhiều năm qua. Chất thải từ các nhà máy đã làm cho dòng nước có màu đen đặc quện với váng dầu luyn làm cá chết nổi hàng loạt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc suốt ngày đêm.
 
 
Hiện nay 100% người dân vẫn sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt. Phần lớn các hộ gia đình đều sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt, nhưng do ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước sông, nên dù đã phải lọc nước trước khi sử dụng, chất lượng nước ngầm vẫn không bảo đảm, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
 
 
Người dân thôn Hạ Cát, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ lại phải chịu đựng cảnh ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi trong khu dân cư. Nước ở kênh Chính Nam, đoạn chảy qua thôn Hạ Cát suốt những năm vừa qua luôn trong tình trạng đen đặc, nổi váng và bốc mùi hôi thối. Đây là hậu quả của việc chăn nuôi hàng chục con trâu, bò và hàng trăm con lợn dọc theo dòng kênh.
 
 
Sau mỗi đợt mưa lớn, một phần chất thải được đẩy đi theo dòng chảy, tuy nhiên, cũng không làm giảm đi sự ô nhiễm. Hầu hết mọi người đều cảm thấy tức ngực, khó thở khi đứng ở khu vực này. Xã đã nhiều lần mời các hộ chăn nuôi lên làm biên bản cam kết về thực hiện đảm bảo tiêu chí môi trường nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 
 
Cùng với rác thải, nước thải là tình trạng ô nhiễm khí thải môi trường nông thôn. Đến làng nghề tái chế nhựa Minh Khai - thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa hiện nay tại đây diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày. Cùng với rác thải, nước thải, hàng loạt ống khói san sát từ các cơ sở tái chế nhựa bất kể ngày đêm đua nhau nhả khói lên trời, mùi khí khét lẹt bốc ra khiến môi trường sống nơi đây trở nên ngột ngạt, đáng sợ. Thêm vào đó là các loại xe công-ten-nơ, xe tải ra, vào nườm nượp, vừa gây ách tắc giao thông vừa xả khí thải vào môi trường.
 
 
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trần Đăng Anh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn chưa được xử lý dứt điểm do: Đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường ở cấp xã còn mỏng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; hầu hềt các xã chưa bố trí được quỹ đất để làm ao, hồ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ sinh học; công tác xã hội hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý vận hành các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, các điểm tập kết rác thải chưa tốt; ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, còn hiện tượng đổ rác thải không đúng nơi quy định…
 
 
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt phát huy hiệu quả của mô hình xử lý rác thải hộ gia đình, nâng cao ý thức người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường; triển khai quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; quy chuẩn kỹ thuật môi trường tỉnh.
 
 
Đối với những bãi rác tạm thời gây ô nhiễm môi trường, tỉnh sẽ có kế hoạch đóng cửa và tiến tới không còn bãi rác chôn lấp mà chỉ có các điểm để tập kết, thu gom, vận chuyển để xử lý tập trung…

Minh Phát
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn